Hiệu quả kinh tế cao
Thực tế cho thấy, việc khai thác năng lượng địa nhiệt có hiệu quả về kinh tế, khả năng thực hiện dễ dàng và thân thiện với môi trường.
Theo các chuyên gia địa chất, công nghệ để khai thác nguồn năng lượng địa nhiệt "không quá phức tạp". Cứ xuống sâu 33 mét thì nhiệt độ trong lòng đất tăng 1 độ C. Ở độ sâu 60km, nhiệt độ có thể đạt tới 1.800 độ C. Muốn khai thác địa nhiệt ở vùng 200 độ C, chỉ cần khoan các giếng sâu 3 - 5km, sau đó đưa nước xuống, nhiệt độ trong lòng đất sẽ làm nước sôi lên, hơi nước theo ống dẫn làm quay tua bin máy phát điện. Dòng nước nóng sẽ được tuần hoàn trong một chu trình khép kín và giúp cung cấp đủ năng lượng cho một nhà máy điện công suất tới hàng trăm MW.
Ngoài ra, các nguồn địa nhiệt từ 80 - 200 độ C còn có thể dùng trực tiếp để sấy nông thủy sản, sưởi ấm cho các căn hộ, nhà máy. Nguồn địa nhiệt dưới 80 độ C có thể dùng để dưỡng bệnh, phục vụ du lịch…
Ngoài giá trị kinh tế, việc sản xuất điện địa nhiệt không tạo ra bất cứ chất thải nào và không gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác, nhà máy điện địa nhiệt có thể hoạt động liên tục suốt ngày đêm, không phụ thuộc vào yếu tố khí hậu như: năng lượng mặt trời, gió, hoặc sóng biển.
Việt Nam đã phát hiện được hàng trăm điểm nước khoáng, trong đó có hơn một nửa là suối nước nóng, tập trung chủ yếu ở vùng Tây Bắc và Nam Trung bộ. Có 72 nguồn nước có nhiệt độ khoảng 41 - 60 độ C, 36 nguồn nước có nhiệt độ 61 - 100 độ C, còn lại là các nguồn nước có nhiệt độ 30 - 40 độ C.
Đặc điểm của các nguồn địa nhiệt ở Việt Nam là phân bố rải rác, phân tán nên khó xây dựng các nhà máy quy mô lớn. Tuy nhiên, việc phân bố nguồn địa nhiệt đều khắp lãnh thổ sẽ cho phép sử dụng rộng rãi ở nhiều địa phương.
Đánh thức tiềm năng
Tại hội thảo địa nhiệt khu vực châu Á - Thái Bình Dương về "Phát triển năng lượng địa nhiệt vì một nền kinh tế xanh" do Hội địa nhiệt Quốc tế - IEA Geothermal phối hợp cùng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tổ chức vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - Nguyễn Linh Ngọc cho biết: Việt Nam đã quan tâm nghiên cứu địa nhiệt từ khá lâu, bắt đầu từ các nghiên cứu nguồn nước khoáng nóng trong các chương trình địa chất thủy văn với sự hợp tác của chuyên gia đến từ Pháp, Mỹ, New Zealand, Italia từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước. Các nhà khoa học Việt Nam đã điều tra, đánh giá sơ bộ tiềm năng các nguồn địa nhiệt trên hầu hết lãnh thổ Việt Nam.
Năm 2010, UBND tỉnh Quảng Trị đã cấp phép cho Công ty Cổ phần Phong Thủy nhiệt điện SVA - Tập đoàn Tài chính SVA đầu tư xây dựng nhà máy điện địa nhiệt tại Đakrông với công suất 25 MW. Dự án sử dụng công nghệ khép kín nên cơ bản loại trừ được khí thải, bụi và tiếng ồn. Đây là điều kiện tốt để góp phần cải thiện môi trường, thúc đẩy phát triển một số ngành công nghiệp, dịch vụ du lịch tại địa phương.
Gần đây, với sự hỗ trợ của Nhật Bản, Việt Nam đã bắt đầu nghiên cứu và lắp đặt hệ thống bơm địa nhiệt tầng nông.
Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc cũng cho rằng, Việt Nam có tiềm năng địa nhiệt đáng kể và có thể phát triển các nhà máy điện địa nhiệt. Tuy nhiên, hiện tại Việt Nam mới chỉ có một số ứng dụng địa nhiệt như: ngâm tắm, bể bơi, du lịch, làm muối iot, chăn nuôi, chữa bệnh và đóng chai nước khoáng.
Theo Thứ trưởng, hội thảo "Phát triển năng lượng địa nhiệt vì một nền kinh tế xanh" là cơ hội để tăng thêm sự hiểu biết về tình hình phát triển địa nhiệt ở Việt Nam cũng như các nước tham gia hội thảo và trên thế giới. Đặc biệt là mở ra tiềm năng hợp tác nghiên cứu phát triển nguồn năng lượng này - nguồn năng lượng tái tạo, xanh, sạch, hầu như không phát thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính - nguồn năng lượng hoàn toàn phù hợp để được ưu tiên phát triển cho một nền kinh tế xanh.

Nguồn: Phạm Thu Hà/Bộ Tài nguyên và Môi trường