Thiết bị cũ, lạc hậu

Ông Nguyễn Đức Thịnh - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam (VAMI) - cho biết, sản phẩm cơ khí có mặt ở hầu hết các ngành kinh tế quốc dân như: Công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, thông tin truyền thông,... Tuy nhiên, đáng lo ngại, hầu hết DN cơ khí sử dụng máy móc, thiết bị đã cũ, lạc hậu (hơn 50% máy sử dụng từ 30-50 năm, đã hết khấu hao). Nhiều thiết bị xuất xứ từ Liên Xô cũ, Đông Âu…

Trong một thời kỳ dài, đầu tư cho cơ khí luôn trong tình trạng chắp vá. DN thường chọn đầu tư bổ sung một số thiết bị cho những khâu quyết định chất lượng sản phẩm hoặc trùng tu, cải tiến máy móc cũ để tiếp tục sử dụng. Việc đầu tư không đồng bộ bắt nguồn từ việc DN nhận thấy dấu hiệu không khả quan về thị trường và gặp khó khăn về vốn. “Công nghệ và thiết bị của các DN cơ khí thiếu đồng bộ. Nhiều thiết bị giờ hoạt động rất thấp, có DN và xưởng cơ khí chỉ làm 1 ca. Năng lực sản xuất ước tính mới khai thác khoảng 50%” - ông Thịnh nhấn mạnh.

Nhìn chung, DN cơ khí nước ta mới đạt trình độ gia công kết cấu thép và chế tạo các loại máy công cụ, chế biến nông nghiệp cỡ nhỏ, vẫn chưa có cơ sở vật chất kỹ thuật để có thể chế tạo máy, thiết bị đạt tiêu chuẩn, hàm lượng công nghệ cao đủ sức cạnh tranh trên thị trường (80% sản phẩm cơ khí ở thị trường trong nước thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài).

Cần chính sách đột phá

Theo VAMI, nếu nhà nước không có chính sách đột phá, nâng cao trình độ công nghệ, tăng sức cạnh tranh cho DN cơ khí, chắc chắn ngành sẽ khó đạt được tốc độ tăng trưởng cao”.

Cụ thể, nhà nước cần tăng cường hỗ trợ kinh phí cho DN đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ thông qua đào tạo, thuê chuyên gia, mua công nghệ. Trong đó, mở rộng các hình thức vay trung hạn và dài hạn với lãi suất hợp lý và thời gian hoàn trả vốn phù hợp với khả năng thực tế thu hồi vốn của từng dự án cụ thể, từng sản phẩm cụ thể và trong giai đoạn nhất định; tạo điều kiện thuận lợi cho DN có thể dễ dàng tiếp cận được với nguồn vốn vay cho đầu tư phát triển. Ở đây, vai trò của Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia rất quan trọng trong việc hỗ trợ cho các DN có nhu cầu đổi mới công nghệ.

Đối với các DN, cần coi việc đầu tư cho khoa học và công nghệ là một trong những yếu tố quan trọng nhằm nâng cao sức cạnh tranh, giảm giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, DN phải tăng cường hợp tác để khai năng lực dư thừa của nhau; hợp tác để không đầu tư chồng chéo, ổn định sản xuất và hướng tới đáp ứng các quy trình quản lý hiện đại.

Đại diện Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) cho hay, chỉ bằng con đường chuyên nghiệp hoá, hiện đại hoá, đầu tư dây chuyền thiết bị có trình độ kỹ thuật, công nghệ hiện đại mới có thể sản xuất ra sản phẩm cơ khí chất lượng cao, giá thành cạnh tranh và không ảnh hưởng tới môi trường.

Phần lớn DN cơ khí Việt Nam chỉ dừng ở mức làm gia công, chưa đủ sức tự chế tạo ra một số sản phẩm có sức cạnh tranh. Các sản phẩm cơ khí phục vụ cho ngành công nghiệp ô tô, xe máy, hàng tiêu dùng… chủ yếu phải nhập khẩu.

Nguồn: Quỳnh Nga/Báo Công Thương điện tử