Hiện ngành CNHT của Việt Nam còn chưa phát triển. Năng lực và công nghệ sản xuất của phần lớn các doanh nghiệp CNHT Việt Nam còn nhiều hạn chế như: công nghệ lạc hậu, khả năng cạnh tranh thấp, nguyên vật liệu phụ thuộc phần lớn vào nhà cung cấp nước ngoài. Đến nay, các doanh nghiệp nội địa chỉ mới cung ứng được khoảng 10% nhu cầu nội địa về sản phẩm CNHT.

Theo thống kê, kim ngạch nhập khẩu các linh kiện, phụ tùng những năm qua là rất lớn, năm 2015 đạt khoảng 54 tỷ USD (chỉ riêng linh kiện máy vi tính, sản phẩm điện tử khoảng 21 tỷ USD; linh kiện điện thoại đạt 10 tỷ USD).

“Trong điều kiện hội nhập kinh tế toàn cầu, công nghiệp của một quốc gia không thể tồn tại và phát triển được nếu không có ngành CNHT phát triển. CNHT quyết định giá thành sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cuối cùng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Chính phủ đã ban hành Nghị định 111/2015 đưa ra các chính sách hỗ trợ và ưu đãi cho những doanh nghiệp (DN) sản xuất sản phẩm CNHT, trong đó ưu tiên phát triển 6 sản phẩm của ngành (dệt may; da giày; điện tử; sản xuất lắp ráp ô tô; cơ khí chế tạo; sản phẩm CNHT cho công nghệ cao). Bên cạnh việc xây dựng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi việc tạo dựng thị trường cho các DN được Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm. Bộ cũng sẽ luôn đồng hành cùng DN và đặc biệt là các DN CNHT, tiếp thu ý kiến của DN để hoàn thiện chính sách phát triển CNHT”- Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Nặng Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh.

Để ngành CNHT phát triển, ông Lê Anh Văn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực - Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, nên đưa chương trình phát triển CNHT vào trong Luật hỗ trợ DNNVV để khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào các ngành, lĩnh vực CNHT nhằm thúc đẩy nền sản xuất trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa, hạn chế nhập khẩu, đồng thời Luật hóa các hoạt động hỗ trợ phát triển CNHT tạo hành lang pháp lý cao, tập trung được nguồn lực cho phát triển CNHT.

Ông Isara Burintramart Giám đốc Điều hành, Công ty Reed Tradex khẳng định dưới tác động của các hiệp định thương mại tự do xuyên quốc gia bao gồm Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, Việt Nam càng trở nên thu hút hơn. Việc nắm rõ các cơ hội và lợi ích của các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới sẽ đem lại lợi ích không nhỏ cho các nhà công nghiệp tại Việt Nam.

Nguồn:Thanh Minh/Báo Công Thương điện tử