Tại Hà Nội, tổng nguồn cung hiện hữu trong quý II/2016 giảm 2% xuống còn khoảng 1.390 ha do việc chuyển đổi KCN Hà Nội - Đại Từ ở quận Long Biên thành khu đô thị. Lý do, hoạt động kém hiệu quả trong việc thu hút khách thuê.

Theo đánh giá của C&W, tổng thể hoạt động của thị trường tương đối ổn định, với tỷ lệ lấp đầy vẫn ổn định ở mức hơn 72% theo quý nhưng tăng 1 điểm phần trăm theo năm. Sáu trong số 10 khu công nghiệp đã được lấp đầy hoàn toàn. Cải thiện đáng kể đã được ghi nhận tại KCN Nội Bài giai đoạn II và KCN Phú Nghĩa với tỷ lệ hấp thụ khoảng 3 ha cho mỗi KCN.

Giá chào thuê trung bình trong quý II/2016 giảm xuống 1% theo quý nhưng tăng 2% so với cùng kỳ, ghi nhận ở mức 2.451.000/m2/kỳ hạn thuê. Giá thuê tại Hà Nội vẫn là cao nhất ở khu vực miền Bắc, cao hơn so với Hải Phòng và Bắc Ninh khoảng 50%.

Về nguồn cung mới, dự kiến sẽ có gần 2.360 ha từ 9 dự án KCN được xác định gia nhập thị trường từ giờ cho đến năm 2020, tương đương với 132% nguồn cung hiện tại. Từ năm 2030 cho đến năm 2050, Hà Nội sẽ có 33 khu công nghiệp với diện tích tổng là 8.000 ha.

Trong khi đó, tại TP. Hồ Chí Minh, trong quý II/2016 đã có thêm một khu công nghiệp mới (Bình Chánh) gia nhập, thêm hơn 300 ha vào thị trường. Hiện thành phố có 19 KCN đang hoạt động có tổng diện tích gần 3.940 ha. Diện tích cho thuê được ước tính là khoảng 63% tổng diện tích đất, trong khi thời hạn cho quyền sử dụng đất trung bình còn lại là 35 năm.

Về tỷ lệ lấp đầy chỉ đạt 65%, chủ yếu là do tỷ lệ lấp đầy thấp tại dự án mới; trong khi giá thuê trung bình tăng 2% theo quý và theo năm, đạt khoảng 2.858.000đồng/m2/kỳ hạn thuê. Sự gia tăng này chủ yếu là do giá chào thuê cao hơn của KCN mới. Giá thuê này cao hơn khoảng 2 lần so với các tỉnh lân cận như Bình Dương và Đồng Nai.

Việc tăng quỹ đất công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030 được dự kiến đạt khoảng 2.600 ha, đến từ 10 KCN mới, tăng lên khoảng 66% so với nguồn cung hiện tại. Tuy nhiên, phần lớn các dự án tương lai vẫn đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng và bồi thường; tiến độ xây dựng dự kiến sẽ kéo dài.

Nhận định về thị trường KCN trong thời gian tới, các chuyên gia C&W cho biết, với TPP và các hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam đã tham gia trong thời gian gần đây, cùng với điều kiện kinh tế ổn định, các chính sách thuận lợi và giá lao động thấp, Việt Nam sẽ thu hút thêm đầu tư từ các nhà sản xuất nước ngoài một khi họ di dời hoạt động đến Việt Nam. Do vậy, với nhu cầu về đất công nghiệp gia tăng, phân khúc này vẫn sẽ là một kênh đầu tư hấp dẫn.

Nguồn: Thùy Dương/Báo Công Thương điện tử