Theo đó, EVN SPC yêu cầu các công ty điện lực tại 21 tỉnh/thành phố phía Nam triển khai kế hoạch cung cấp điện trên địa bàn, đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, không thực hiện điều hòa tiết giảm phụ tải. Đối với các khách hàng lớn, các công ty điện lực phải xây dựng phương án giám sát sử dụng điện và phương án tiết giảm, huy động nguồn phát riêng của khách hàng. Đối với khách hàng có đo ghi từ xa và sử dụng thông tin đo ghi từ xa để phục vụ cho công tác giám sát sử dụng điện khách hàng.
Đối với khách hàng ngành hàng sắt thép, xi măng và khách hàng có từ 2 phân kỳ trở lên, các đơn vị điện lực cần làm việc với khách hàng về nhu cầu dùng điện, khả năng tiết giảm, huy động nguồn riêng, rà soát, đề xuất các phương án tiết giảm để ứng phó với trường hợp có khả năng mất cân đối cung - cầu điện hệ thống điện miền Nam. Các công ty điện lực thành viên phải thông báo với tất cả khách hàng thuộc đối tượng vừa nêu, phải đăng ký công suất và sản lượng biểu đồ phụ tải năm 2018. Ký phụ lục hợp đồng mua bán điện năm 2018 nếu nhu cầu sử dụng điện của khách hàng thay đổi...
Trong công tác quản lý vận hành, Ông Nguyễn Phước Đức, Phó tổng giám đốc EVN SPC cho biết, tổng công ty yêu cầu Công ty lưới điện cao thế miền Nam thường xuyên kiểm tra hệ thống lưới điện, hệ thống rơle bảo vệ, rơle sa thải phụ tải F81 tại trạm biến áp 110kV, hành lang an toàn lưới điện cao áp để kịp thời phát hiện và ngăn chặn nguy cơ xảy ra sự cố, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện. Thực hiện đúng tiến độ các công trình cải tạo, nâng cấp lưới điện đã được EVN SPC giao nhiệm vụ và theo dõi sát các thông số vận hành trên lưới điện, thường xuyên rà soát các danh mục công trình đã thống nhất với các công ty điện lực trong năm 2018, tránh việc quá tải phải tiết giảm phụ tải khẩn cấp. Ngoài ra, phải tổ chức đánh giá, lập kế hoạch và triển khai các công trình đường dây 110kV mang tính chất quan trọng trong quản lý vận hành, đường trục liên kết phía 110kV giữa các trạm 220kV lân cận nhằm hỗ trợ việc chuyển tải qua lại.
EVN SPC cũng yêu cầu Trung tâm điều hành SCADA triển khai đúng lộ trình điều khiển xa trạm biến áp 110kV và các thiết bị trung thế. Bố trí trực và theo dõi tình hình vận hành hệ thống SCADA; Tiếp nhận thông tin, chủ trì phối hợp Công ty lưới điện cao thế miền Nam và các công ty điện lực 21 tỉnh/thành phố điều hành xử lý sự cố hệ thống SCADA/DMS, hệ thống điều khiển xa. Xây dựng kế hoạch, phương án xử lý sự cố, nhanh chóng khắc phục các vấn đề về kênh truyền SCADA, kênh rơ-le bảo vệ, kênh truyền hotline; đảm bảo kết nối các TBA và các thiết bị có giám sát điều khiển trên lưới.
Đặc biệt, đảm bảo hệ thống SCADA vận hành liên tục và ổn định, thường xuyên giữ liên lạc với Trung tâm điều độ hệ thống điện miền Nam (A2), làm một đầu mối trong việc tiếp nhận thông tin từ Trung tâm và cung cấp kịp thời cho Phòng điều độ tại các công ty điện lực, khi có hiện tượng bất thường, sự cố mất điện trên hệ thống điện.
Nguồn: Thế Vĩnh/Báo Công Thương điện tử