Nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước
Theo ông Lưu Hoàng Ngọc - Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), để thúc đẩy hoạt động KHCN trong phát triển ngành công nghiệp hóa dược, ngày 7/5/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 61/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình nghiên cứu KHCN trọng điểm quốc gia về phát triển công nghiệp hóa dược đến năm 2020.
Từ năm 2008 đến nay, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai các nhiệm vụ của chương trình với mục tiêu tạo ra những công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện sản xuất trong nước. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, kết hợp với việc nhập, làm chủ và sử dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại của nước ngoài để sản xuất nguyên liệu hóa dược làm thuốc; đẩy mạnh sản xuất thử sản phẩm, chuyển giao, tiếp nhận, làm chủ công nghệ mới, sản phẩm mới và ứng dụng mạnh mẽ vào sản xuất để tạo ra những nguyên liệu hóa dược có chất lượng cao phục vụ sản xuất thuốc thiết yếu ở trong nước…
Sau gần 10 năm triển khai chương trình, nhiều sản phẩm tiêu biểu đã đến tay người tiêu dùng và có những phản hồi tích cực. Điển hình như: Sản phẩm dầu gấc do Công ty Vimedimex nghiên cứu, phát triển. Hiện đã sản xuất được 30 tấn, trị giá 13,2 tỷ đồng; hay sản phẩm nguyên liệu thuốc điều trị ung thư từ dừa cạn, do Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam nghiên cứu và đã sản xuất được 400g Vinblastine sulfate, 200g Vincristine sulfate, 500g Vinorelbine ditartrate đạt tiêu chuẩn Dược điển châu Âu; chế phẩm hỗ trợ điều trị viêm khớp dạng thấp từ sinh vật biển Arostin và Omegakado do Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên phối hợp với Công ty Mediplantex nghiên cứu, sản xuất đã được thử nghiệm lâm sàng và được Hội đồng y đức của Học viện Quân y thông qua …
Tập trung ứng dụng KHCN vào sản xuất
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, song ông Lưu Hoàng Ngọc thừa nhận, thực tế các quy trình công nghệ hầu như đều ở quy mô phòng thí nghiệm; số lượng có thể áp dụng trong sản xuất thử nghiệm và thực tế công nghiệp rất hạn chế... Để ngành công nghiệp hóa dược Việt Nam phát triển ổn định, các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nguyên liệu hóa dược và xây dựng tiềm lực mạnh cho KHCN trong hóa dược.
Cục Hóa chất cũng đưa ra giải pháp, trong giai đoạn tiếp theo ngành hóa dược cần nâng cao khả năng cung ứng trong nước, đáp ứng được nhu cầu thị trường và từng bước hướng tới xuất khẩu. Bên cạnh việc tập trung ứng dụng và chuyển giao công nghệ, cần tận dụng tiềm năng nội sinh có thế mạnh để xây dựng công nghiệp hóa dược, từng bước đáp ứng nhu cầu và tạo thế chủ động cho sản xuất bào chế dược phẩm; ứng dụng mạnh mẽ các kết quả nghiên cứu khoa học, chủ động chuyển giao các công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, sản phẩm nguyên liệu hóa dược và dây chuyền thiết bị mới, tiên tiến từ “Chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia phát triển công nghiệp hóa dược đến năm 2020” vào sản xuất.
Ông Lưu Hoàng Ngọc - Phó cục trưởng Cục Hóa chất: Trong vài chục năm tới, không chú trọng nhiều vào nghiên cứu phát triển các loại hoạt chất mới, chỉ nên tập trung nghiên cứu, áp dụng một số quy trình công nghệ hiện đại phù hợp với hoàn cảnh kinh tế của Việt Nam…
Nguồn: Tâm - Anh/Báo Công Thương điện tử