Hội nghị được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất giới thiệu sản phẩm mới, tiếp xúc, trao đổi thông tin với doanh nghiệp thương mại, đẩy mạnh liên kết trong đầu tư sản xuất và cung ứng tiêu thụ sản phẩm.
Hiện mỗi năm thị trường trong nước tiêu thụ trên 180 triệu đôi giày dép nhưng hầu hết các sản phẩm này có nguồn gốc từ nước ngoài, hàng sản xuất nội địa chỉ chiếm một lượng rất nhỏ. Các doanh nghiệp trong ngành cũng ưu ái hơn cho xuất khẩu do hoạt động này mang lại nhiều lợi nhuận và nhận được nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ.
Tuy nhiên, theo bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Lefaso, những năm gần đây, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã có tác động tích cực tới tâm lý của người tiêu dùng. Giày dép Việt được ưa chuộng hơn đã kéo doanh nghiệp đầu tư trở lại thị trường nội địa. Chính phủ cũng đã quan tâm, tháo gỡ nhiều nút thắt giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất.
hát biểu tại hội nghị, bà Lê Việt Nga- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết: Ngành dệt may và da giày những năm qua luôn đứng trong top đầu nhóm ngành hàng xuất khẩu chủ lực của cả nước, với hàng chục tỷ USD mỗi năm. Việc tổ chức các hoạt động kết nối sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Bộ Công Thương trong thời gian qua cũng đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển thị trường trong nước và gắn kết nội dung này với việc thực hiện cuộc vận động. Trong đó đặc biệt là các hoạt động kết nối cung cầu, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, quảng bá cho hàng Việt, doanh nghiệp Việt.
Với thâm niên 25 năm khai thác thị trường trong nước, ông Nguyễn Trí Kiên - Giám đốc Công ty TNHH May Minh Tiến cho biết: Phát triển thị trường nội địa khó hơn rất nhiều so với xuất khẩu do phải thực hiện tốt, lâu dài các chính sách chăm sóc khách hàng, bảo đảm hình ảnh, thương hiệu và quản lý chuỗi sản xuất khá phức tạp. Nhưng những năm gần đây, xu hướng ưu tiên lựa chọn sản phẩm nội có thương hiệu của người tiêu dùng trong nước ngày một rõ rệt. Kết hợp với số dân và thu nhập ngày càng tăng là điều kiện chín muồi cho các doanh nghiệp quay về phát triển thị trường nội địa.
Tuy nhiên để hạn chế rủi ro, theo kịp xu hướng thị trường doanh nghiệp cần đầu tư bài bản về công nghệ sản xuất ngay từ đầu, sớm có định hướng xây dựng và phát triển thương hiệu. Khi đưa sản phẩm ra thị trường nên sử dụng cả hệ thống phân phối truyền thống và bán hàng online. “Khi chỉ có 1, 2 doanh nghiệp khai thác và phát triển thị trường nội địa là rất khó nhưng khi trở thành phong trào sẽ tạo được hiệu ứng lan toả và tác động trực tiếp tới tâm lý hành vi của người tiêu dùng”- ông Kiên chia sẻ.
Bà Lê Việt Nga cũng đề nghị, Các doanh nghiệp, hiệp hội tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, khuyến công quốc gia, hưởng ứng sâu rộng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"… nhằm tăng cường kết nối cung - cầu giữa các doanh nghiệp trong ngành. Qua đó đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động phát triển thị trường trong nước.
Nguồn: Việt Nga/Báo Công Thương điện tử