Thuế, phí cao nhất khu vực

Trong cơ cấu chủng loại than do TKV sản xuất có nhiều loại than khác nhau từ cám 1 đến cám 6 a, b, cám 7a, b, c và các loại than cục. Hiện nay, tại thị trường trong nước, loại than cám 6a1 Hòn Gai, Cẩm Phả đang được nhiều nhà sử dụng lựa chọn và tiêu thụ nhiều. Trong khi đó, theo cân đối cơ cấu các chủng loại than sản xuất trong nước thì loại than này hiện không đáp ứng đủ nhu cầu của các hộ tiêu thụ trong nước (ước tính năm nay thiếu khoảng 3 triệu tấn). Trong khi đó, loại than tương đương vùng miền tây Quảng Ninh sản xuất (Mạo Khê, Uông Bí, Vàng Danh) hiện tại thị trường ít có nhu cầu hơn do đặc tính lưu huỳnh cao hơn, chất bốc thấp hơn cho nên tồn kho còn cao (trước đây, loại than này chủ yếu xuất khẩu nhưng nay không còn được xuất khẩu nữa), cho nên TKV đã phải nhập khẩu một phần than anthraxit, chất bốc cao (10-15%) để: Một là, chế biến, pha trộn với một số loại than trong nước để cung cấp cho các hộ có nhu cầu nhằm mục đích giảm tồn kho than khu vực miền tây có chất bốc thấp, để ổn định sản xuất, việc làm, thu nhập cho thợ mỏ và an sinh xã hội trên địa bàn. Hai là, hiện nay, trên thế giới, nguồn than cung đang vượt cầu, có giá tốt, là thời điểm thuận lợi để từng bước thiết lập, đàm phán, đặt quan hệ lâu dài với các đối tác cung cấp than để khi thị trường phục hồi (thực tế là bắt đầu từ quý II/2016, giá than có chiều hướng tăng, cao hơn khoảng 10 USD/tấn so với quý I) sẽ thuận lợi hơn việc duy trì hợp tác lâu dài cung cấp than cho nhu cầu trong nước sẽ tăng cao trong các năm tới.

Về chiến lược lâu dài, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Chính phủ đã giao TKV đẩy mạnh đầu tư khai thác và phát triển các mỏ, nâng cao sản lượng than sản xuất trong nước. Đồng thời, giao cho TKV là đơn vị nhập khẩu than, đảm bảo cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện và các nhu cầu khác của nền kinh tế quốc dân. Theo quy hoạch, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than với khối lượng lớn từ sau năm 2017 và tăng mạnh từ năm 2020, chủ yếu là than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện bao gồm cả than anthraxit và than nhiệt năng. Do vậy, việc TKV từng bước triển khai nhập khẩu than là tất yếu khách quan. Tuy nhiên, các nhà máy điện hiện nay đang hoạt động và một số nhà máy sẽ đưa vào hoạt động trong các năm tới vẫn đang sử dụng và cũng sẽ phải sử dụng nguồn than anthraxit sản xuất trong nước là chính vì than cho điện đòi hỏi chủng loại phù hợp với nhà máy đã thiết kế với khối lượng lớn, ổn định và lâu dài. Vì vậy, sản lượng than nhập khẩu của TKV hiện nay mới chiếm tỷ lệ nhỏ so với than sản xuất và mục đích để pha trộn và thiết lập thị trường như nêu trên, còn lại TKV vẫn phải giữ ổn định và tiếp tục phát triển năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu than cho điện tiếp tục tăng cao từ sau 2017, đảm bảo việc làm, nộp ngân sách và an sinh xã hội vùng mỏ: Năm 2015, TKV nhập khẩu 500 ngàn tấn than, trong khi than sản xuất trong nước của TKV năm 2015 là 35 triệu tấn. Năm 2016, TKV dự kiến nhập khẩu 1,5 triệu tấn; thực hiện 6 tháng đầu năm 2016 đạt 863 ngàn tấn, bằng 57,5% kế hoạch và chỉ chiếm khoảng 8% tổng sản lượng than nhập khẩu về Việt Nam. Thực tế thì thị trường tiêu thụ than của TKV 6 tháng đầu năm cũng bị thu hẹp, ảnh hưởng tới sản xuất than trong nước do hiện nay có nhiều đầu mối than nhập khẩu cộng với than của các đơn vị khác bán ra thị trường với khối lượng khá lớn. Theo dự báo, nguồn cung cấp than trên thế giới như hiện nay chỉ trong ngắn hạn, khi kinh tế và thị trường phục hồi thì nhập khẩu than với khối lượng lớn, ổn định cũng không dễ, thậm chí là rất khó khăn đối với loại than anthraxit mà nhiều nhà máy trong nước đang sử dụng.

Dẫn số liệu từ biểu thuế suất thuế tài nguyên đối với than của một số quốc gia, ông Nguyễn Văn Biên -  Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) - cho biết, hiện nay, thuế tài nguyên tại Úc là 2-15%, trung bình với than khai thác lộ thiên là 7%, than hầm lò là 6% và không áp dụng thuế xuất khẩu than. Còn với Indonesia thì thuế tài nguyên đối với than từ 3-7% và tại Trung Quốc là từ 0-4%,...

Trong khi đó ở nước ta, từ tháng 7/2010, thuế suất thuế tài nguyên đối với than antraxit hầm lò được điều chỉnh tăng từ 2% lên 5%, than antraxit lộ thiên tăng từ 3% lên 7%. Từ đầu năm 2014, thuế suất tiếp tục điều chỉnh tăng tương ứng lên 7% và 9% và đến ngày 1/7/2016, thuế suất thuế tài nguyên một lần nữa được điều chỉnh tăng tương ứng lên 10% và 12%. Nếu tính cả tiền cấp quyền khai thác (là 2%) thì than hầm lò phải chịu mức thuế tài nguyên là 12% và than lộ thiên phải là 14%.

“Đây là mức thuế suất thuế tài nguyên cao so với nhiều nước trên thế giới hiện nay” - ông Biên khẳng định. Được biết, việc điều chỉnh tăng thuế suất thuế tài nguyên vừa qua đã làm tăng thêm khoảng 1.400 tỷ đồng tiền thuế trong năm 2016 mà TKV phải nộp.

Không chỉ có vậy, ngoài thuế tài nguyên, tiền cấp quyền khai thác, TKV còn phải nộp phí môi trường và thuế môi trường khoảng 2,5% giá thành, đó là chưa kể chi phí thăm dò, chi phí môi trường do TKV thực hiện khoảng 4% giá thành.

Riêng với than xuất khẩu, giá thành cộng thêm 10% thuế giá trị gia tăng đầu vào không được khấu trừ nên tổng số thuế, phí trong giá thành là 26%, cộng thêm thuế xuất khẩu than 10% thì tổng số thuế phí lên tới khoảng 36-40% giá thành.

Lợi nhuận giảm gần 10 lần

Để khẳng định việc liên tục điều chỉnh tăng thuế suất thuế tài nguyên, ông Nguyễn Văn Biên đưa ra con số thuế phải nộp tính trên 1 tấn than qua các năm, cụ thể, năm 2010: 44.248 đồng/tấn; năm 2011: 59.880 đồng/tấn; năm 2012: 68.088 đồng/tấn; năm 2013: 70.157 đồng/tấn; năm 2014: 98.482 đồng/tấn và năm 2015 là 97.100 đồng/tấn.

Như vậy, thuế phải nộp trên 1 tấn than năm 2015 cao gấp 2,2 lần so với năm 2010 và nếu tính cả tiền cấp quyền khai thác thì mức tăng còn cao hơn nữa. Khi thuế suất tăng thì sản lượng than khai thác, tiêu thụ giảm và lợi nhuận của TKV giảm mạnh. Cụ thể, nếu năm 2011, lợi nhuận trước thuế của TKV là 8.632 tỷ đồng thì đến năm 2015, con số này sụt giảm chỉ còn 839 tỷ đồng, tương ứng mức giảm hơn 10 lần. Cùng với đó, đóng góp của ngành than cho ngân sách nhà nước cũng giảm theo, tương ứng từ 16.150 tỷ đồng (năm 2011) xuống 13.838 tỷ đồng (năm 2015).

Những năm 2010, 2011, khi giá than xuất khẩu cao, TKV đã bù giá than cho các hộ trong nước thấp hơn giá thành 4-5 ngàn tỷ đồng/năm và thuế đã nộp ngang bằng thuế suất các nước trên thế giới. Nhưng, khi giá và sản lượng than xuất khẩu giảm, năm 2015 chỉ xuất khẩu được 1,6 triệu tấn/năm, lại thêm điều kiện khai thác ngày càng khó khăn do xuống sâu (hệ số đất, cung độ vận chuyển tăng, nhiều mỏ hầm lò xuống sâu -300-500m), thì lợi nhuận tính trên 1 tấn than giảm mạnh. Nếu năm 2010, sản xuất ra 1 tấn than sạch có lãi 199.621 đồng thì đến năm 2015 chỉ còn 22.687 đồng.

Hệ lụy là thu nhập của người lao động ngành than chậm được cải thiện, việc tuyển dụng và giữ chân thợ mỏ ngày càng khó khăn và TKV cũng như các đơn vị thành viên không có điều kiện tích lũy để đầu tư phát triển.

Năm 2015, TKV phải nộp 5.800 tỷ đồng tiền thuế tài nguyên và tiền cấp quyền khai thác, trong khi, lợi nhuận chỉ đạt 838 tỷ đồng.

Ngành than trước áp lực thuế, phí -​ Bài 2: Những kiến nghị

Nguồn: Hoàng Châu/Báo Công Thương điện tử