Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam - dự báo: Tiêu thụ trong nước vào năm 2020 đạt khoảng 82 triệu tấn, Việt Nam sẽ dư thừa 36 - 47 triệu tấn xi măng. Bên cạnh đó, giai đoạn 2017-2020, công suất ngành xi măng sẽ tiếp tục tăng khi có thêm những những dự án lớn đi vào vận hành. Doanh nghiệp (DN) sản xuất xi măng chắc chắn sẽ khó khăn trên cả hai lĩnh vực: Tiêu thụ nội địa và xuất khẩu (XK).

Tính toán của Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho thấy, năm 2017, khu vực miền Trung sẽ chứng kiến cuộc đua khốc liệt về thị phần giữa các nhà sản xuất. Đại diện Tập đoàn Xi măng The Vissai khẳng định, sẽ dành 50% sản lượng tiêu thụ nội địa, phần còn lại mới dành cho XK. Rõ ràng, hầu hết DN xi măng đều e ngại thị trường XK do không còn thuận lợi như trước đây, do đó tập trung mở rộng tiêu thụ nội địa. Chính vì vậy, trong tương lai gần “cuộc chiến” thị phần càng thêm khốc liệt.

Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) - cho biết, tiêu thụ xi măng vẫn đang là vấn đề lớn của Vicem và các DN thành viên do thị trường dư thừa nguồn cung.

Để cân đối cung - cầu, khơi thông thị trường, Vicem yêu cầu các đơn vị thành viên tập trung quan tâm và sử dụng nguồn lực tối ưu nhằm bảo đảm cải thiện hệ thống nhà phân phối, tạo sự gắn kết và tăng sức cạnh tranh trên thị trường; rà soát các chính sách bán hàng, nhất là chiết khấu và khuyến mại theo từng chủng loại sản phẩm và các thời điểm bán hàng...

Về giải pháp tiêu thụ, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng cho rằng, để cân đối cung - cầu thị trường xi măng, cần có sự điều hành linh hoạt từ cơ quan quản lý nhà nước. Một mặt khuyến khích áp dụng công nghệ mới, thay thế các dây chuyền cũ, lạc hậu, mặt khác, không thể cho phép đầu tư tràn lan mà phải dựa trên cơ sở tính toán kỹ nhu cầu.

Theo Vụ trưởng Vụ Vật liệu (Bộ Xây dựng), các DN xi măng cần có những giải pháp sản xuất và tiêu thụ hợp lý, tránh gây thêm áp lực cho tiêu thụ trong nước. Bộ Xây dựng sẽ phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan thúc đẩy sử dụng các sản phẩm xi măng cho các chương trình công ích như làm đường bê tông xi măng, vật liệu xây không nung… nhằm gia tăng sức tiêu thụ trong nước, bảo đảm phát triển ổn định của ngành xi măng.

Nhằm giảm bớt áp lực cạnh tranh, cân đối cung - cầu, nhiều dự án xi măng đã được giãn, điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch. Dự kiến từ năm 2018, không đưa thêm dây chuyền xi măng vào hoạt động.

Nguồn: Báo Công Thương điện tử