Theo các chuyên gia, trong khi chưa có nguồn năng lượng đủ lớn để thay thế thì nhiệt điện than với công nghệ ngày càng cao, thân thiện với môi trường vẫn là một giải pháp ưu thế cho Việt Nam.
Tỷ trọng nhiệt điện than của Việt Nam còn khiêm tốn
Đóng vai trò quan trọng trong tỷ trọng nguồn điện quốc gia, đến năm 2017, nhiệt điện điện than có công suất lắp đặt khoảng 15.000MW, sản xuất được 73 tỷ kWh điện chiếm 38% tổng sản lượng điện sản xuất, cao nhất trong cơ cấu sản suất điện năng của toàn hệ thống.
Theo số liệu của IEA, Việt Nam xếp thứ 22 trên thế giới về tổng công suất nhiệt điện chạy than, tỷ trọng nhiệt điện than trong tổng công suất phát điện của Việt Nam chỉ chiếm 26,3%, trong khi mức bình quân của thế giới là 36%. Tỷ trọng nhiệt điện than của Việt Nam so với thế giới chỉ chiếm 0,3% khi mà dân số chiếm tỷ trọng 1,2%.
Điều đáng nói, một số nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc… dù không có than nội địa và phải nhập nhưng cũng đứng thứ 6 và thứ 10 trên thế giới về công suất nhiệt điện chạy than.
Trong khi các dự án thủy điện lớn hầu như đã khai thác hết, nguồn khí tự nhiên khai thác hữu hạn, triển vọng nhập khí hóa lỏng chỉ có thể thực hiện được sau năm 2025, cùng với việc dừng các dự án điện hạt nhân thì câu hỏi nguồn điện nào sẽ bù đắp được đặt ra.
Công nghệ tốt, sạch hơn nhiều
Theo TS Nguyễn Thành Sơn - Nguyên Trưởng ban Chiến lược TKV, nhiệt điện chạy than đang ngày sạch và thân thiện với môi trường hơn.
Cụ thể, từ những năm 1980, công nghệ sạch sử dụng than (Clean Coal Technology - CCT) trên thế giới đã bắt đầu phát triển theo nhiều hướng như cải tiến quy trình đốt than trong lò hơi, cải tiến quy trình phát điện tổ máy.
Chỉ tính tại các nhà máy thuộc TKV, nhiều nhiệt điện chạy than sử dụng lò hơi theo kiểu “tầng sôi tuần hoàn” giúp giảm đáng kể lượng phát thải khí NOx cũng như đốt được nhiều loại than và đốt được than kèm đá vôi để khử lưu huỳnh, cho phép giảm tới 90÷95% lượng phát thải Sox; giảm thành phần “carbon không cháy hết” trong tro bay và xỉ đáy lò xuống mức dưới 2÷5%, cho phép sử dụng tro xỉ để làm phụ gia cho xi măng.
Chưa kể công nghệ siêu tới hạn và trên siêu tới hạn của dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I và các nhà máy nhiệt điện than khác (Nghi Sơn 1, Duyên Hải…), các công nghệ xử lý khói thải hiện đại bằng khử bụi tĩnh điện ESP, khử NOx bằng công nghệ SCR và khử SO2 bằng công nghệ SWFGD … thì thông số nồng độ chất phát thải tại Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I sẽ thấp hơn rất nhiều so với QCVN 22:2009/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như tiêu chuẩn phát thải theo khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới.
Chưa kể, trong quá trình vận hành, các thông số dữ liệu về chất lượng khí thải, nước thải được hệ thống giám sát quan trắc môi trường online cập nhật liên tục và được truyền về trung tâm của Sở Tài nguyên và Môi trường để các cấp có thẩm quyền theo dõi, giám sát chặt chẽ 24/24h.
Như vậy, với công nghệ điện than đã tốt, sạch và thân thiện với môi trường hơn rất nhiều, không có lý do gì để phải nghi ngại về vai trò của nhiệt điện than trong nền kinh tế quốc gia.
Nguồn: Ngọc Thọ - Minh Trí/Báo Công thương điện tử