Thưa ông, dù được đánh giá là ngành công nghiệp quan trọng, đóng vai trò lớn trong thay đổi cơ cấu ngành, nhưng ở nước ta, CNHT vẫn chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Trên thực tế, đã có nhiều chính sách, cơ chế, đề án hỗ trợ phát triển CNHT, nhưng các văn bản vẫn chưa cụ thể, rõ ràng, có thể giúp DN tháo gỡ khó khăn đang gặp phải. Theo tôi, đối với CNHT hiện nay, DN đang gặp khó ở một số vấn đề như thuế đất tương đối cao. Ngoài ra, nguồn vốn hỗ trợ DN CNHT chưa có nhiều ưu đãi, vẫn giống như DN thông thường vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Hơn nữa, trong quá trình thu hút DN FDI vào Việt Nam, chúng ta mới chỉ quan tâm đến sự cam kết trong việc tạo việc làm mà thiếu đi hướng dẫn, đào tạo, liên kết với DN tư nhân của Việt Nam cùng sản xuất sản phẩm CNHT. Nếu làm được điều này, DN vừa và nhỏ mới có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng và sẽ đóng góp tốt hơn cho nền kinh tế.
Sự liên kết giữa các DN CNHT trong nước và DN FDI còn rất mờ nhạt. Theo ông, đâu là nguyên nhân chính?
 
Hầu hết DN trong nước chưa kết nối được với DN FDI dù trên thực tế, DN FDI luôn muốn tìm DN Việt Nam phù hợp để tạo thành chuỗi giá trị liên kết. Nếu không có công ty phụ trợ nào trong nước đáp ứng được, DN FDI sẽ đưa toàn bộ công ty trong chuỗi liên kết từ nước của họ hoặc từ nước khác sang Việt Nam để cung cấp sản phẩm phụ trợ. Nhưng quan trọng nhất hiện nay, DN Việt Nam chưa có đủ khả năng, tiềm lực và nguồn lực, cũng như năng lực để tham gia vào chuỗi sản xuất. Bên cạnh đó, DN CNHT trong nước rất yếu và thiếu thiết bị, công nghệ đủ điều kiện để sản xuất sản phẩm mà các tập đoàn lớn quốc tế đang có mặt tại Việt Nam yêu cầu.
Tôi cho rằng, không có cách nào khác đối với ngành CNHT hiện nay là bắt buộc phải liên kết với DN FDI để học cách thiết kế, chế tạo, tiếp thu công nghệ nguồn…
Thời gian tới, Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP. Hà Nội sẽ có những biện pháp gì để thúc đẩy sự liên kết giữa các DN phụ trợ trong nước với DN FDI, thưa ông?
Về phía hiệp hội, chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo, hội nghị, hội chợ với mục đích làm sao thúc đẩy tư duy chủ DN phụ trợ có thêm kiến thức. Bên cạnh đó, phối hợp với UBND TP. Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương đưa DN phụ trợ đi các nước Nhật Bản, Hàn Quốc - nơi có nền CNHT phát triển mạnh để kêu gọi đầu tư, liên doanh, liên kết; hợp tác với hiệp hội CNHT của các nước để hỗ trợ DN phụ trợ Việt Nam. Bên cạnh đó, kêu gọi các nguồn vốn ưu đãi trong nước, vốn ODA… hỗ trợ DN.
Xin cảm ơn ông!
Cần có cơ chế thông thoáng hơn nữa để giúp DN trong ngành CNHT dễ dàng tiếp cận nguồn vốn. Bên cạnh đó, tiến hành quy hoạch nhóm ngành nghề, phân khu cụ thể, tư vấn hỗ trợ để thúc đẩy DN trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng.
Nguồn: Quỳnh Nga -Hoa Quỳnh/Báo Công Thương điện tử