Tác động nghiêm trọng tới môi trường

Theo ông Lê Văn Tới - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng, hàng năm các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón, luyện thép thải ra môi trường khoảng 11 triệu tấn tro, 5 triệu tấn xỉ đáy lò và khảng 4 triệu tấn bã thạch cao. Theo dự kiến, đến năm 2020, mỗi năm các nhà máy có thể phát thải ra 30-40 triệu tấn phế thải. Để có chỗ chứa phế thải đó cần khoảng 600 nghìn ha, tức là 4 năm thì mất diện tích của một xã trung bình. Trong khi đó, việc xử lý chất thải này vẫn được các nhà máy thực hiện một cách tự phát. Tro, xỉ và thạch cao được bán với giá rẻ, thậm chí được đổ lẫn lộn trong bãi chứa.

Thực tế, hiện có rất ít doanh nghiệp chịu đầu tư công nghệ xử lý phế thải này để trở thành vật liệu xây dựng hoặc công cụ cho việc xây dựng. Nguyên do, đầu ra của sản phẩm rất khó khăn, khó cạnh tranh với sản phẩm gạch đỏ truyền thống khiến doanh nghiệp không mặn mà.

Cùng đó, tại một số quốc gia trên thế giới, lượng tro xỉ phát thải từ các nhà máy nhiệt điện được tái sử dụng đến 80-90% nhưng tại Việt Nam chỉ đạt khoảng 10%. Theo đại diện Viện Vật liệu xây dựng (VLXD), Bộ Xây dựng, không phải doanh nghiệp nào cũng biết phế thải cũng có thể dùng để thay thế nguyên liệu tự nhiên để tạo ra sản phẩm. Quan trọng hơn, doanh nghiệp chưa nhận thấy được lợi ích từ việc tái sử dụng nguồn phát thải này. Mặt khác, các nhà sản xuất VLXD vẫn thuận lợi trong khai thác tài nguyên thiên nhiên nên chưa mặn mà với nguồn nguyên liệu tái chế.

Nhà nước hiện đã có tiêu chuẩn quy định chất lượng tro bay phải đảm bảo mới được sử dụng vào các sản phẩm khác nhau, ví dụ: Xi măng, lượng than trong tro bay phải dưới 6%. Tuy nhiên, việc kiểm soát tiêu chuẩn tro bay hiện vẫn còn buông lỏng cũng là một trong những nguyên nhân khiến các nhà tái chế tro bay chưa mặn mà đầu tư.

Cần sự vào cuộc mạnh mẽ

Trước thực trạng trên Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm đẩy mạnh việc tái sử dụng chất thải từ các nhà máy nhiệt điện, phân bón. Tiêu biểu, Chương trình phát triển vật liệu không nung theo Quyết định số 576/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình 567) với mục tiêu phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu không nung thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 20-25% vào năm 2015; 30-40% vào năm 2020.

Tuy nhiên sau 5 năm triển khai, lượng sử dụng thực tế vật liệu không nung thay thế vật liệu nung chưa đạt yêu cầu đề ra. Theo khảo sát, lượng VLXD không nung được sử dụng năm 2015 chỉ đạt khoảng 18%, công suất thực tế cũng chỉ ở mức 17-18%. Nguyên do, người tiêu dùng vẫn chuộng gạch đỏ truyền thống. Hiện trạng sản xuất VLXD không nung cũng rất phức tạp, ngoài một số doanh nghiệp lớn đầu tư dây chuyền đủ tiêu chuẩn chất lượng, kiểm soát nguyên vật liệu đầu vào, đầu ra. Còn rất nhiều doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình sản xuất bằng phương thức thủ công, máy móc không đồng bộ, chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu.

Cũng theo đại diện Viện VLXD, để phát triển VLXD không nung cần có cơ chế, chính sách cụ thể hơn bằng vốn, giảm thuế, ưu đãi đất đai nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư. Các Bộ, ngành chức năng cũng cần nghiên cứu ra công nghệ sản xuất mới để giảm chi phí, tăng chất lượng sản phẩm; tiếp tục phổ biến kiến thức, cách sử dụng tro bay cho nhà sản xuất; có chế tài để hạn chế sử dụng tài nguyên thiên nhiên nếu như đã có phế thải công nghiệp thay thế.  

Bộ Xây dựng cũng kiến nghị: Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thông tin tuyên truyền phổ biến Chương trình 567 với mọi hình thức tới doanh nghiệp và xã hội để thấy được lợi ích của việc sử dụng vật liệu xây không nung. Chính phủ ban hành chỉ thị mới theo hướng tăng cường và đưa ra các chỉ tiêu cụ thể về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung trong giai đoạn tới. Các Bộ quản lý, xây dựng chuyên ngành tăng cường kiểm soát, yêu cầu sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung trong các công trình xây dựng theo quy định.

Nguồn: Việt Nga/Báo Công Thương điện tử