Theo Nikkei, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – Mã: PLX) vừa tiết lộ kế hoạch xây dựng cảng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng đầu tiên, theo sau bước chân của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN). Cặp đôi ngành dầu khí, xăng dầu của Việt Nam đang tìm cách để đa dạng hóa nguồn cung nhằm hạn chế tình trạng thiếu nhiên liệu trong tương lai.
"Chúng tôi nỗ lực trong hoạt động kinh doanh LNG như một lĩnh vực mới để phát triển", Chủ tịch Petrolimex Phạm Văn Thanh trao đổi với Nikkei.
Petrolimex kiểm soát khoảng một nửa số trạm xăng tại Việt Nam. Công ty đã từng tìm cách đa dạng hóa bằng cách xây dựng nhà máy lọc dầu thứ ba của Việt Nam, mức đầu tư khoảng 4,5 tỉ USD. Tuy nhiên đã phải từ bỏ dự án vào mùa thu năm ngoái sau khi Chính phủ lo ngại về việc dư thừa công suất và chùn bước trong việc cung cấp hỗ trợ tài chính.
Hiện Petrolimex sẽ tập trung cho việc xây dựng cảng nhập khẩu LNG tại Khánh Hòa, các cơ sở tiếp nhận sẽ đặt bên cạnh kho chứa xăng dầu.
LNG sẽ được cung cấp cho một nhà máy điện sử dụng khí đốt được xây dựng gần đó bởi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Nhà máy dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2020, sẽ cung cấp công suất 6.000 MW điện năng một năm. Tổng mức đầu tư cả cảng nhập khí và nhà máy điện khoảng 3,6 tỉ USD.
Điều này cũng sẽ còn phụ thuộc xây dựng cảng nhập khẩu LNG đầu tiên của Việt Nam tại Thị Vải, nhà thầu dự án sẽ được quyết định trong tháng này. PVN có thể khởi công dự án ngay trong năm nay, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2023.
Cảng có công suất nhập khẩu một triệu tấn LNG mỗi năm để có thể cung cấp nhiên liệu cho cùng lúc nhiều nhà máy điện với tổng công suất lên tới 1.500 MW.
Gần 10 cảng nhập khẩu LNG đang được kế hoạch xây dựng trên khắp Việt Nam, bao gồm một dự án tại tỉnh Bình Thuận của PVN kết hợp AES của Mỹ.
Việt Nam đang nổi lên là trung tâm sản xuất mới trên toàn cầu, các nhà sản xuất gồm cả những công ty rời bỏ Trung Quốc vì lý do chi phí nhân công ngày càng đắt đỏ đang chuyển dịch sang Việt Nam.
Samsung Electronics xây dựng chuỗi 4 nhà máy tại Việt Nam nhằm sản xuất phục vụ thị trường điện thoại thông minh toàn cầu.
Trong khi đó, nhu cầu điện của Việt Nam mỗi năm tăng 10%, nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế mà phần lớn là do sự phổ biến của máy điều hòa không khí. Tiến độ xây dựng nhà máy điện đang không thể theo kịp.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã cảnh báo rằng, khủng hoảng cung cấp điện sẽ vẫn là vấn đề nan giải trong khoảng thời gian dài. Ông kêu gọi thúc đẩy nhanh việc xây dựng các nhà máy điện, đặc biệt là khu vực phía Nam, nơi tình trạng thiếu điện trở nên nghiêm trọng hơn.
Việt Nam có tài nguyên than, sản lượng cung cấp của các nhà máy điện chạy than đang chiếm gần 40% tổng sản lượng cung cấp, mức này ngang với thủy điện, còn lại điện khí sẽ tiếp tục chiếm 20%.
Nhiệt điện than được kỳ vọng, tuy nhiên lại gây ô nhiễm. Thậm chí các các công ty khai thác than cũng đã cạn kiệt, điều này cảnh báo chi phí cho mua nhiên liệu dự kiến sẽ tăng lên.
Chính phủ Việt Nam từng xem xét đến năng lượng hạt nhật, nhưng những rủi ro tiềm ẩn của nó giống như thảm họa Fukushima năm 2011 đã khiến cho kế hoạch bị dừng lại.
Việt Nam sau đó chuyển hướng sang khí đốt tự nhiên, phát thải ít carbon hơn than. Tuy nhiên sản lượng khí đốt cũng được dự báo giảm nhanh chóng sau năm 2020, do đó LNG sẽ được nhập khẩu để lấp đầy khoảng trống.
Việt Nam sẽ trở thành quốc gia tiếp theo trong khu vực Đông Nam Á tham gia chuỗi nhập khẩu LNG. Thái Lan, quốc gia đi đầu vào năm 2011 đạt 3,95 triệu tấn vào năm 2017, tăng 30% so với năm trước đó.
Nhập khẩu của Malaysia tăng 40% lên 1,8 triệu tấn; Indonesia nước từng là nhà xuất khẩu LNG sẽ bắt đầu nhập khẩu từ những năm 2020, Phillippines cũng tương tự.
Đông Nam Á đang dần trở thành khu vực tiêu thụ LNG tiềm năng. Nhu cầu khí LNG trên toàn cầu đã tăng 8,5% lên 380 triệu tấn vào năm ngoái, theo số liệu của Bloomberg. Con số này được dự báo sẽ đạt 450 triệu tấn vào năm 2030, trong đó châu Á sẽ chiếm 86% trong số 167 triệu tấn khí LNG tiêu thụ giai đoạn 2017 – 2030.
Đông Nam Á sẽ sử dụng khoảng 44 triệu tấn, chỉ sau Ấn Độ 61 triệu tấn và Trung Quốc 53 triệu tấn.
Nikkei nhận định, tại Việt Nam, câu hỏi được đặt ra là tiền ở đâu để phục vụ cho những tham vọng trong tương lai. Việt Nam nợ công 65% trên GDP, tuy nhiên nguồn vốn huy động nước ngoài có thể được tính đến.
Ngoài ra các dự án LNG lớn cũng sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng khác, và Chính phủ sẽ phải cân nhắc thu chi.
Nguồn: Theo Kinh tế & Tiêu dùng