8 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó, khai thác than tăng 1,7%; ngành chế biến, chế tạo tăng 10,8%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,6%, cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 7,4%.

Một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất 8 tháng đầu năm 2017 tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất kim loại tăng 21,2%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 17,8%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 13,5%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 10,1%… Đặc biệt, một số sản phẩm công nghiệp có xu hướng tăng trưởng cao từ đầu năm: Sắt thép thô tăng 26,7%; thép cán 23,9%; tivi 34,4%; phân đạm ure 19,6%; phân DAP 38,8%…
Ngoài ra, tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tiêu thụ của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 8 tháng tăng 9,5%, cao hơn với so với mức tăng 8,1% của cùng kỳ năm trước.
Để tập trung tăng trưởng công nghiệp những tháng cuối năm, Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều giải pháp, phấn đấu đến cuối năm, giá trị sản xuất công nghiệp vượt kế hoạch đề ra.
Theo đó, Bộ Công Thương quyết liệt chỉ đạo tái cơ cấu hoạt động của một số tập đoàn, tổng công ty trong các lĩnh vực sản xuất lớn của nền kinh tế như: Sản xuất đồ uống, hóa chất, điện lực, than - khoáng sản, dầu khí... Bên cạnh đó, lĩnh vực trong ngành khai khoáng như dầu thô, than - đá... cần bám sát diễn biến thị trường để có phản ứng chính sách, cũng như điều tiết cụ thể trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, bảo đảm hiệu quả tối ưu và đóng góp tốt hơn cho tăng trưởng GDP.
Bộ Công Thương đề nghị Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét, tháo gỡ về chính sách thuế, phí để giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí, phát triển thị trường. Đơn cử như với ngành than, hiện nay, tổng hợp các loại thuế và phí chiếm trong giá thành khoảng 14 - 15% đối với than tiêu thụ trong nước và khoảng 35% đối với than xuất khẩu. Nếu tính cả tiền cấp quyền khai thác (2%) thì thuế tài nguyên đối với than hầm lò hiện nay khoảng 12%, than lộ thiên khoảng 14%, cao hơn từ 7 - 10% so với các nước trong khu vực, làm giảm sức cạnh tranh của than sản xuất trong nước so với than nhập khẩu.
Bộ Công Thương tiếp tục tập trung giải quyết các dự án đang tồn đọng, vướng mắc để sớm tái khởi động, đưa vào khai thác sản xuất - kinh doanh.
Nguồn: Lan Anh/Báo Công Thương điện tử