Ông Dương Văn Đông - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và điều chế đồng vị phóng xạ, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt - cho biết: Từ khi lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt chính thức hoạt động vào tháng 3/1984, việc nghiên cứu điều chế các đồng vị phóng xạ và dược chất phóng xạ bắt đầu hình thành và phát triển. Cũng tại thời điểm đó, cả nước chỉ mới có 2 khoa y học hạt nhân tại bệnh viện Chợ Rẫy phía Nam và Bệnh viện Bạch Mai phía Bắc, nhưng đến nay đã có khoảng 25 khoa y học hạt nhân từ trung ương đến địa phương với nhiều thiết bị hiện đại như Gamma-Camera, SPECT/CT, PET/CT cho phép chẩn đoán nhanh và chính xác hầu hết các cơ quan trong cơ thể cũng như điều trị đặc hiệu các bệnh ung bướu.

Để phục vụ cho việc điều chế các chất phóng xạ, mỗi tháng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt phải hoạt động liên tục 130 - 150 giờ. Lượng đồng vị hiện nay có thể sản xuất được sau mỗi đợt lò hoạt động hàng tháng lên đến 40 - 50Ci tùy thuộc nhu cầu tại thời điểm cung cấp. Tính đến cuối năm 2015, lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã hoạt động với tổng cộng khoảng 40.900 giờ, nghĩa là trung bình mỗi năm hoạt động được 1.200 giờ an toàn và khai thác hiệu quả. Hơn 90% thời gian hoạt động lò phản ứng và hơn 80% công suất chiếu xạ đã được khai thác cho nghiên cứu và sản xuất đồng vị phóng xạ.

Trong đó, đã cung cấp khoảng 6.500Ci đồng vị phóng xạ sử dụng trong y học, góp phần vào thúc đẩy sự phát triển của y học hạt nhân tại Việt Nam. Các chất phóng xạ sản suất trên lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt như I-131, Tc-99m, P-32, Cr-5, Sm-153, Lu-177, Au-198... được cung cấp cho các bệnh viện mỗi tháng 1 lần. Các sản phẩm Kit invivo và in-vitro có thể cung cấp với thời gian bất kỳ khi nào có giấy yêu cầu. Các sản phẩm này đã phục vụ chẩn đoán và chữa trị cho hàng trăm ngàn bệnh nhân mỗi năm.

Đặc biệt, trong hơn 30 năm hoạt động lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, song song với việc vận hành tốt công nghệ sản xuất, công tác bảo đảm và kiểm tra chất lượng sản phẩm luôn luôn được coi trọng, các thiết bị dùng cho kiểm tra chất lượng sản phẩm đã được nâng cấp và hoàn thiện theo mô hình kiểm tra độc lập có đối chứng, phân tích mẫu lặp. Bộ phận kiểm tra chất lượng nằm trong Phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005, mã số VILAS 519. Việc theo dõi chất lượng sản phẩm ngay tại các cơ sở sử dụng cũng được thực hiện thường xuyên và đã ghi nhận rằng trong suốt 30 năm qua chưa phát hiện thấy trường hợp nào kém chất lượng.

“Hiện, lò phản ứng có thể đáp ứng 50% nhu cầu cung cấp các chất phóng xạ cho các cơ sở ứng dụng trong nước. Khả năng tự sản xuất được các chất phóng xạ trong nước là chỗ dựa vững chắc cho việc nghiên cứu, ứng dụng các chất phóng xạ trong sự phát triển chung toàn xã hội” - ông Đông nhấn mạnh.

Ông Dương Văn Đông - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Điều chế đồng vị phóng xạ:

Các chất phóng xạ được điều chế bằng cách chiếu xạ kích hoạt hạt nhân các đồng vị bền bằng neutron trên lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và tiếp đến là công nghệ xử lý hoá phóng xạ để thu được sản phẩm cuối cùng bảo đảm chất lượng cho sử dụng thực tiễn.

 

 Nguồn: Quỳnh Nga/Báo Công Thương điện tử