Cụ thể, lượng sắt thép thô đạt hơn 468.000 tấn, tăng 26,5% so với cùng kỳ; lượng thép cán đạt gần 488.000 tấn, tăng 30,4% so với cùng kỳ; lượng thép thanh, thép góc ước đạt 397.000 tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ.
Như vậy, tính chung 10 tháng của năm 2016, lượng sắt thép thô đạt gần 4,2 triệu tấn, tăng 19% so với cùng kỳ; thép cán đạt 4,29 triệu tấn, tăng 25,7% so với cùng kỳ; thép thanh, thép góc đạt hơn 3,9 triệu tấn, tăng 11,7% so với cùng kỳ.
Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương nhận định, ngoài việc tận dụng tốt các cơ hội từ phòng vệ thương mại, thì trong bối cảnh hiện tại, nhu cầu xây dựng trong nước tốt nên lượng thép dài sản xuất và tiêu thụ vẫn giữ được sản lượng khá cao.
Tỷ lệ tăng trưởng mạnh về cả bán hàng và sản xuất các sản phẩm thép trong 10 tháng năm 2016 cho thấy, khả năng đáp ứng được hoàn toàn nhu cầu về các sản phẩm thép xây dựng của các doanh nghiệp trong nước. Do đó, giá bán sản phẩm thép vẫn được giữ ổn định. Cũng theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất các sản phẩm thép của doanh nghiệp thành viên đạt hơn 1,48 triệu tấn, tăng 18,6% so với cùng kỳ và bán hàng sản phẩm thép cũng đạt hơn 1,2 triệu tấn, tăng hơn 23% so với cùng kỳ 2015.
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cuối năm là thời điểm nhu cầu xây dựng tăng cao, do đó, sự tăng trưởng của ngành thép cho thấy khả năng cung ứng sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập, việc giữ vững được thị trường trong nước trước việc thép giá rẻ Trung Quốc sẽ tiếp tục tràn vào thị trường là hết sức khó khăn.
Báo cáo của Hiệp hội Thép cho hay, lượng thép thành phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc từ đầu năm đến nay đã lên đến hơn 7,29 triệu tấn, chiếm gần 60% trong tổng lượng thép nhập khẩu, giá trị hơn 2,86 tỷ USD, chiếm gần 56% tổng giá trị nhập khẩu.
Ngoài ra, thép Trung Quốc cũng đang có những nghi vấn liên quan đến việc đội lốt thép Việt khi xuất ra nước ngoài, gây ảnh hưởng uy tín của sản phẩm Việt.
Do vậy, để các doanh nghiệp trong nước tiếp tục có được bước tăng trưởng mạnh trong thời gian tới cần có những giải pháp ngăn chặn gian lận thương mại từ phía cơ quan quản lý nhà nước.
Đồng thời, doanh nghiệp trong nước phải tự nâng cao chất lượng sản phẩm, công nghệ sản xuất để giảm giá thành, nhằm cạnh tranh trên chính sân chơi thị trường trong nước và hướng tới đẩy mạnh xuất khẩu ra các thị trường mới… Về phía Bộ Công Thương, để thúc đẩy ngành sản xuất thép trong nước, Bộ này cho biết sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo đảm cạnh tranh công bằng với hàng nhập khẩu nhưng theo dõi sát tác động của các biện pháp này tới sản xuất, tiêu dùng trong nước để có sự điều chỉnh kịp thời nếu cần…
Nguồn: BNEWS/TTXVN

 

Sản xuất thép tăng trưởng mạnh