Thị trường thép 6 tháng đầu năm 2016 có những tín hiệu khả quan. Không ít doanh nghiệp thép Việt “gặt hái” kết quả kinh doanh khá tốt. Tập đoàn thép Tiến Lên tăng 23% doanh thu, lợi nhuận sau thuế tăng đột biến đến 22 lần, đạt 261 tỷ đồng. Thép Dana Ý báo lãi gần gấp 5 lần. Thép Hòa Phát đạt lợi nhuận sau thuế cao chất ngất: 3.000 tỷ đồng. Thép Tisco, Thép Việt Ý, Thép Nam Kim, VnSteel, Povina… đều báo lãi. Không thể không ghi nhận.

Theo giới phân tích, có nhiều yếu tố đã giúp không ít doanh nghiệp thép đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng trong những tháng đầu năm, đặc biệt là quyết định của Bộ Công Thương áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu đã cứu nguy cho không ít doanh nghiệp thép Việt.

Tuy nhiên, nhìn sâu một chút vào thị trường thép trong nước vẫn thấy còn nhiều quan ngại.

Do hiệu ứng của chính sách tự vệ thương mại cộng với hiện tượng đầu cơ đã đẩy giá thép trong nước tăng cao tại thời điểm tháng 3, sau đó quay đầu giảm dần trong tháng 4 và giảm mạnh trong tháng 5. Đến đầu tháng 6, giá thép cả miền Bắc và miền Nam đồng loạt giảm về mức trước khi áp thuế tự vệ tạm thời. Hiệp hội Thép (VSA) phải nhóm họp các nhà máy thép, đề nghị không giảm giá để chiếm thị phần của nhau, cạnh tranh kiểu “gà nhà đá nhau”.

Những con số xuất nhập khẩu khẩu sắt thép của Tổng cục Thống kê công bố cũng đáng chú ý. Nhập khẩu sắt thép 7 tháng đầu năm 2016 tới 4,53 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2015; kim loại thường 2,63 tỷ USD, tăng 18%. Trong khi đó, xuất khẩu sắt thép chỉ đạt 988 triệu USD, giảm 3%. Việc nhập siêu sắt thép nói lên điều gì? Có lẽ chỉ khi nào chiều hướng xuất - nhập đảo ngược mới khẳng định được thực lực mạnh của doanh nghiệp thép Việt chăng?

Theo dự báo của các chuyên gia và doanh nghiệp, thị trường thép những tháng cuối năm 2016 sẽ tiếp tục khả quan, tiêu thụ thép trong quý IV có thể tăng nhẹ. Nếu diễn biến đúng như vậy, ngành thép Việt Nam sẽ có 1 năm “hoan hỷ” bởi những lợi thế và cơ hội từ biện pháp tự vệ thương mại.

Song, tự vệ thương mại chỉ mang lại lợi ích trong ngắn hạn. Nếu không liên kết, tập trung đầu tư chiều sâu ngay từ bây giờ, khi hết bảo hộ, ngành thép Việt Nam sẽ ra sao khi lợi thế đã mất mà cơ hội cũng chẳng còn?

Nguồn: Trần Phương/Báo Công Thương điện tử