Theo báo cáo của cơ quan chức năng tỉnh Bình Định, trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có 12/42 CCN đã được đầu tư hạ tầng cơ bản như đường nội bộ, hệ thống điện, cấp nước...; 7 CCN có hệ thống xử lý nước thải chung. Đơn cử, huyện Hoài Ân có 2/4 cụm đã được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng chỉ thu hút được 5 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đăng ký hoạt động; CCN Tà Súc (huyện Vĩnh Thạnh) có diện tích gần 36ha nhưng chỉ thu hút được 8 doanh nghiệp. Điều này cho thấy, việc thu hút đầu tư thứ cấp vào các CCN không khả quan.
Cùng đó, việc triển khai đầu tư hạ tầng các CCN chủ yếu dưới hình thức cuốn chiếu (vừa đầu tư hạ tầng vừa cho thuê đất); tiến độ đầu tư xây dựng phụ thuộc vào nhu cầu về mặt bằng sản xuất và khả năng nguồn vốn của địa phương. Các công trình hạ tầng kỹ thuật trong hàng rào còn chắp vá, thiếu đồng bộ… đã ảnh hưởng không nhỏ tới thu hút đầu tư vào CCN. Mặt khác, giá duy tu, bảo dưỡng CCN khá cao, trung bình 0,12 USD/m2/năm khiến nhà đầu tư thường tìm các địa điểm ngoài CCN để sản xuất.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do nguồn lực của tỉnh hạn chế, khiến CCN đã có quyết định thành lập nhiều năm nhưng chưa bố trí được vốn đầu tư hạ tầng, không thu hút được doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư. Việc kinh doanh hạ tầng CCN đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi chậm, năng lực của các chủ đầu tư hạ tầng còn hạn chế khiến việc triển khai chậm, xúc tiến mời thứ cấp khó khăn.
Để góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn trên, ngay khi Nghị định số 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển CCN được ban hành, Sở Công Thương Bình Định đã phối hợp với Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) tổ chức tập huấn về cơ chế, chính sách phát triển CCN và các văn bản hướng dẫn. Xây dựng ấn phẩm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh thu hút đầu tư phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh để giới thiệu, quảng bá, thu hút đầu tư phát triển các CCN; xây dựng, triển khai phần mềm quản lý CCN… Năm 2018, Sở Công Thương đề xuất xây dựng Quy chế phối hợp các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố về quản lý CCN; giải quyết các thủ tục triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và dự án sản xuất, kinh doanh trong CCN theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; điều chỉnh, bổ sung chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các CCN trên địa bàn tỉnh phù hợp với thực tế…
Tuy nhiên, để giải quyết triệt để tình trạng khó khăn trong thu hút doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN, Sở Công Thương Bình Định đề nghị Cục Công Thương địa phương hướng dẫn triển khai việc thành lập Ban Quản lý CCN để làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn các huyện. Kiến nghị Bộ Nội vụ sớm ban hành văn bản hướng dẫn việc tổ chức, hoạt động của Ban Quản lý CCN.
42 CCN đã đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Định thu hút được 772 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký 6.735 tỷ đồng, trong đó 701 doanh nghiệp đã hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 20.000 lao động.
Nguồn: Bùi Việt/Báo Công Thương điện tử