Thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh trở thành tâm điểm thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. Tính đến tháng 4/2016, KCNC TP. Hồ Chí Minh đã thu hút 94 dự án, trong đó, có nhiều dự án của các nhà đầu tư là các tập đoàn hàng đầu trên thế giới như Intel, Samsung, Sonio, Nidec, Jabil, dự án Đại học Fulbright...

Nếu như năm 2011, KCNC đạt giá trị xuất khẩu là 1 tỷ USD thì đến năm 2015 đã đạt trên 4 tỷ USD. Lũy kế đến nay, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) trong toàn khu đạt 16,1 tỷ USD. Giá trị của 1 lao động trong KCNC cao gấp 9,8 lần so với các khu công nghiệp, khu chế xuất khác và 1 ha đất tại KCNC có thể tạo ra giá trị 14 triệu USD xuất khẩu.

Theo ông Lee Sangsu - Tổng giám đốc Công ty TNHH Samsung Electronics HCMC CE Complex, dự án tại KCNC TP. Hồ Chí Minh của DN này sau khi hoàn thiện sẽ trở thành một trong bốn dự án nhà máy sản xuất các sản phẩm thiết bị điện tử gia dụng lớn nhất của Samsung trên toàn cầu, với doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm, tạo việc làm cho khoảng 7.000 lao động vào năm 2020.

Ông Tae Gyu Kim - Giám đốc Công ty TNHH Daihan Climate Control (DN đang có dự án 112 triệu USD đầu tư nhà máy sản xuất bộ trao đổi nhiệt sử dụng trong máy lạnh, tủ lạnh) - khẳng định: Bằng việc tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam cùng với việc đào tạo kỹ thuật thông qua nhà máy ở Thái Lan và Hàn Quốc, nhà máy tại Việt Nam sẽ đi vào sản xuất trong thời gian ngắn nhất.

KCNC TP. Hồ Chí Minh đang tập trung thu hút đầu tư các ngành công nghệ cao thuộc các lĩnh vực như: Công nghệ vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin (CNTT) và viễn thông, công nghệ tự động hóa, cơ khí chính xác… Ngoài ra, KCNC còn có các đơn vị trực thuộc hoạt động hỗ trợ như Trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D), Trung tâm đào tạo và Vườn ươm DN…

Ông Lê Hoài Quốc - Trưởng Ban quản lý KCNC TP. Hồ Chí Minh - cho biết, các dự án đầu tư tại KCNC đã và đang tạo điều kiện cho phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của TP. Hồ Chí Minh. Đây là cơ hội thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng nội địa, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trong nước khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Một trong những điều kiện để DN cung ứng các sản phẩm cho Samsung được cấp phép đầu tư tại KCNC là phải cam kết về xây dựng, phát triển chuỗi cung ứng nội địa. Cụ thể, các DN Hàn Quốc cam kết hỗ trợ, chuyển giao công nghệ cho các DN Việt Nam để 5 - 7 năm tới sẽ tạo ra chuỗi cung ứng nội địa cho Samsung tại Việt Nam, có kế hoạch đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ cho DN Việt Nam.

Trên thực tế, đã có không ít DN của Việt Nam liên kết đầu tư các dự án CNC với mục tiêu tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm cho các DN tại KCNC. Tiêu biểu là Công ty Phước Thành - DN chuyên sản xuất đồ nhựa, linh kiện nhựa có tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 70 triệu USD và đang là DN cung ứng liên kết cho Samsung. Công ty Intops (Hàn Quốc) sẽ hỗ trợ Phước Thành từ công đoạn lựa chọn lĩnh vực sản xuất, đầu tư thiết bị, máy móc, chuyển giao công nghệ, kiểm tra chất lượng sản phẩm… bảo đảm các tiêu chí của Samsung, đồng thời cam kết sau 3 năm, Phước Thành sẽ đủ điều kiện cung ứng trực tiếp sản phẩm cho Samsung không phải thông qua Intops.

Nguồn: Thảo Dương/Báo Công thương điện tử