Thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang cho biết, giá trị sản xuất công nghiệp Hậu Giang trong tháng 6/2017 đạt 1.691,009 tỷ đồng, tăng 14,02% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đạt 9.781,456 tỷ đồng, tăng 8,49% so cùng kỳ năm trước.
Chỉ tính riêng trong tháng 6/2017, sản lượng thủy sản đông lạnh sản xuất của các doanh nghiệp trong tỉnh đạt 4.292 tấn, tăng 1,75% so với cùng kỳ; nước mắm đạt 352,66 nghìn lít, tăng 23,83%; gạo xay xát 235,60 nghìn tấn, tăng 1,57%; thức ăn gia súc 24.026 tấn, tăng 5,64%; đường mật các loại đạt 29 tấn, tăng 45%; mũi giày da đạt 11.436,80 nghìn đôi, tăng 37,75% so cùng kỳ…
Có được kết quả này, Sở Công Thương Hậu Giang cho hay, do các doanh nghiệp trong ngành sản xuất đường hoạt động niên vụ 2016 - 2017 kéo dài hơn so với năm trước. Ngoài ra, do chính sách ưu đãi thuế, giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh nhanh gọn đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đang đầu tư sớm đi vào hoạt động như: Công ty TNHH giấy Lee & Man, Công ty TNHH Tập đoàn quốc tế Runlong - Hậu Giang, Công ty TNHH MTV dinh dưỡng nông nghiệp quốc tế Hậu Giang.
Bên cạnh sản xuất công nghiệp, hoạt động nội thương và xuất khẩu của Hậu Giang cũng có sự tăng trưởng ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng và doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành 6 tháng đạt 16.350,039 tỷ đồng, tăng 4,79% so với cùng kỳ. Về xuất khẩu, trong tháng 6 tháng đầu năm nay toàn tỉnh Hậu Giang đã xuất khẩu được 285,664 triệu USD, tăng 41,84% so với cùng kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh gồm: hàng thủy sản, rau quả, gạo, sản phẩm gỗ, dệt may, giày dép. Trong đó, mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ yếu qua thị trường Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc; nông sản xuất sang Trung Quốc; gạo xuất khẩu sang Saudi Arabia, Ghana và Hong Kong.
Theo ông Võ Văn Thắng- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hậu Giang, mặc dù giá trị xuất khẩu của tỉnh trong nửa đầu năm nay tương đối khả quan nhưng không bền vững. Dự báo những tháng tới, việc xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn và có xu hướng giảm.
Nguyên nhân là do Hậu Giang có hai mặt hàng xuất khẩu chính là gạo và thủy sản - song hai mặt hàng này lại đang gặp một số trở ngại như: các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ và các nước EU đã và đang thực hiện chương trình kiểm tra giám sát gắt gao đối với các sản phẩm thủy sản chế biến có nguồn gốc từ Việt Nam; Mỹ gia hạn áp thuế chống phá giá với tôm đông lạnh của Việt Nam thêm 5 năm; Australia cũng đang thực hiện lệnh cấm nhập khẩu đối với sản phẩm tôm chế biến của Việt Nam. Đối với mặt hàng gạo, một số thị trường nhập khẩu như: Indonesia, Malaysia, Philippines đang thực hiện chính sách tự túc lương thực, hạn chế và thay đổi phương thức nhập khẩu, thắt chặt hơn về tiêu chuẩn chất lượng gạo nhập khẩu…
Trước những thách thức mới này, trong các tháng tới, ngành Công Thương Hậu Giang sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm.
Nguồn: Mai Ca/Báo Công Thương điện tử