Ông Trần Xuân Mai - Tổng giám đốc Tập đoàn Hoàng Mai, đơn vị có thâm niên hàng chục năm trong lĩnh vực làm biển báo, biển cảnh báo, biển đèn led… cho biết: Chức năng cảnh báo an toàn, giá trị sử dụng và tính thẩm mỹ của những tấm biển cảnh báo theo cách thức mới vượt trội hơn hẳn so với những biển cảnh báo trước đây.

Người dân Việt Nam đã quá quen thuộc với những hình ảnh cảnh báo, biển cấm, biển chỉ dẫn: “Nguy hiểm, điện cao thế”; “Nguy hiểm, cấm lại gần”; “Nguy hiểm, điện giật chết người”… Kèm với những lời cảnh báo trên là hình ảnh để thể hiện độ nguy hiểm… Tuy nhiên, giá trị cảnh báo của những tấm biển này chỉ phát huy vào ban ngày chứ không có tác dụng về đêm.

Theo cách làm biển cảnh báo truyền thống: Nhân viên thực hiện mang sơn kèm theo mẫu in biển cảnh báo lên thân cột điện, thậm chí, đôi khi chỉ là một tấm bảng gỗ quét sơn tối màu, sau đó in hình và chữ cảnh báo bằng sơn sáng màu lên trên nền đó. Do những tác động của thời tiết, nắng, mưa trong điều kiện khí hậu nhiệt đới của Việt Nam, cùng với số lượng hàng năm có hàng chục cơn bão đổ bộ khiến cột điện bị gãy đổ, những biển cảnh báo theo phương pháp thủ công này cũng nhanh chóng bị bào mòn, hư hại và bị mờ.

Tuổi thọ của những biển cảnh báo này, theo ông Mai, chỉ khoảng trong một mùa mưa. Người ta sẽ nhanh chóng thực hiện lại một loạt biển mới bằng phương pháp thủ công như vậy.

Theo phương pháp hiện tại Tập đoàn Hoàng Mai đang cung cấp và lắp đặt, những biển cảnh báo này được làm bằng tôn mạ kẽm chống gỉ, sơn xử lý bề mặt sau đó tiếp qua ba lần sơn: Chống gỉ, cách nhiệt và phản quang. Lời cảnh báo được thể hiện trên nền sơn phản quang kèm theo hình ảnh cảnh báo là hình tia sét, thay thế hình ảnh truyền thống mà ngành Điện trước đây hay sử dụng. “Điều quan trọng hơn đó là tính năng phản quang về đêm giống như một tín hiệu cảnh báo, chí dẫn trên đường giao thông” – ông Mai cho biết.

Đơn cử, một biển cảnh báo “Cấm trèo” khi được lắp lên thân cột điện có 2 đai i-nox, 4 khóa để kẹp biển cảnh báo này vào thân cột điện. Không chỉ đảm bảo độ an toàn, chắc chắn, còn có thể tháo ra để thay đổi vị trí đối với những vị trí cảnh báo bị che khuất bởi tán cây, vật che cản; hoặc nếu cột điện gãy đổ do mưa bão, vẫn tiếp tục tháo ra để tái sử dụng.

Tuổi thọ của những biển cấm, biển báo này được Hoàng Mai bảo hành trong 10 năm. Tính khấu hao, một năm sử dụng biển báo này chỉ là con số khoảng 10.000 đồng, nhưng tính mỹ thuật, hiệu quả của nó hơn gấp nhiều lần so với hình thức biển cảnh báo cũ.

Hiện tại, ở một số địa phương, việc thay thế biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn đã được thực hiện. Đặc biệt, Thông tư số 31/2014/TT-BCT quy định chi tiết về an toàn trong ngành Điện đã dành hẳn một chương để hướng dẫn chi tiết các biển báo an toàn trong ngành Điện, thay thế các biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn có hình “đầu lâu xương chéo” bằng biển mới.

“Với chức năng cảnh báo phản quang về đêm, chúng tôi mong muốn những tấm biển này phát huy chức năng để bảo đảm an toàn, tính mạng cho người dân, bảo đảm an toàn điện” – ông Mai nói.

Theo đại diện Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC): Do 13 tỉnh thuộc khu vực quản lý của tổng công ty có điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên các biển báo theo hình thức sơn trực tiếp trên cột, dán đề can... bộc lộ những nhược điểm như: Dễ bong tróc, ăn mòn ở những nơi điều kiện khí hậu thời tiết khắc nghiệt, thường bị cộng đồng sơn quảng cáo khác đè lên, đêm tối hoặc ở những vị trí đông dân cư khó nhận biết do không có sơn phản quang... Do đó, năm 2016, EVN NPC đã tiếp tục tổ chức đấu thầu mua sắm tập trung các biển báo an toàn điện.

Ông Dư Cao Minh - Phó Tổng giám đốc EVN NPC: Các biển báo bằng thép sơn phản quang có những ưu điểm như: Thời gian sử dụng kéo dài (10 - 15 năm), phù hợp các địa hình, khí hậu thời tiết khắc nghiệt, biển có sơn phản quang nên dễ nhận biết ngay cả khi đêm tối, biển có thể tháo rời để sử dụng trong trường hợp cột điện bị hư hỏng, gãy đổ để tận dụng lắp đặt sang cột điện khác, không phải sơn sửa hằng năm...

Nguồn: Hải Ngọc/Báo Công Thương điện tử