Báo cáo mới của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) cho thấy, chi phí sản xuất điện gió trên đất liền đã giảm khoảng một phần tư kể từ năm 2010, trong khi chi phí sản xuất điện mặt trời giảm 73% trong cùng thời gian đó.
Cụ thể, chi phí sản xuất điện mặt trời trung bình đã giảm 73% trong giai đoạn 2010-2017, xuống còn hơn 2.000 đồng/kWh.
Chi phí sản xuất điện gió trên đất liền trung bình giảm 23% trong khoảng từ năm 2010 đến năm 2017. Nhiều dự án điện gió trên đất liền hiện đang được vận hành thường xuyên với mức chi phí gần 900 đồng/kWh.
Các dự án năng lượng sinh học và địa nhiệt mới được đưa vào vận hành vào năm 2017 có mức chi phí trung bình toàn cầu khoảng 1.600 đồng.
Giá thấp kỷ lục của điện mặt trời tại các dự án ở Abu Dhabi, Chilê, Dubai, Mexico, Peru và Saudi Arabia đã đạt mức gần 700 đồng /kWh (và thấp hơn).
Các dự án điện gió trên đất liền và các dự án năng lượng mặt trời hiệu quả nhất có thể cung cấp điện với mức giá gần 700 đồng cho mỗi kilowatt giờ (kWh), hoặc thấp hơn trong vòng hai năm tới.
Báo cáo nhấn mạnh rằng nhiều dự án điện gió trên đất liền hiện được vận hành thường xuyên với mức chi phí khoảng 900 đồng/kWh. Trong khi đó, chi phí cho việc phát điện từ nhiên liệu hóa thạch hiện đang dao động từ 1.000 đến gần 4.000 đồng cho mỗi kWh.
Ông Adnan Z. Amin, Tổng giám đốc của IRENA cho biết, động thái mới này cho thấy sự chuyển dịch đáng kể trong mô hình năng lượng.
“Sự cắt giảm chi phí do tiến bộ về công nghệ là chưa có tiền lệ và là một minh chứng cho thấy mức độ mà năng lượng tái tạo đang khuynh đảo hệ thống năng lượng toàn cầu,” ông Adnan Z. Amin chia sẻ.
Nghiên cứu dự báo vào năm 2019, các dự án điện gió trên đất liền và các dự án điện mặt trời hiệu quả nhất sẽ phát điện với mức chi phí gần 700 đồng/kWh, thấp hơn nhiều so với chi phí sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch hiện tại.
Theo ông Adnan Z. Amin, việc chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo để sản xuất điện không chỉ đơn thuần là một quyết định có ý thức về môi trường, mà hiện nay đã trở thành một quyết định khôn ngoan về kinh tế.
“Các chính phủ trên thế giới đang nhận thức được tiềm năng này và thúc đẩy các chương trình nghị sự về kinh tế các-bon thấp được củng cố bởi các hệ thống năng lượng tái tạo.”
“Chúng tôi mong đợi sự chuyển đổi này sẽ có thêm động lực, tạo thêm công ăn việc làm, hỗ trợ tăng trưởng, cải thiện sức khoẻ người dân, cũng như tăng cường khả năng thích ứng của quốc gia và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu năm 2018 và những năm tiếp theo,” ông Adnan Z. Amin nhấn mạnh.

Nguồn: Mai Mạnh/Vietnamplus.vn