Không hoạt động hết công suất

Tại cuộc họp với các đơn vị về Đề án nhiên liệu sinh học diễn ra mới đây, ông Nguyễn Phú Cường - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) - cho biết, hiện nay, năng lực sản xuất ethanol nhiên liệu của các cơ sở sản xuất trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu phối trộn xăng E5. Việc cung cấp ethanol chủ yếu từ 2 nhà máy nhiên liên sinh học của Công ty TNHH Tùng Lâm với tổng công suất 150.000 tấn/năm (đủ để phối trộn 3 triệu tấn xăng sinh học E5/năm). Ngoài 2 nhà máy của Công ty Tùng Lâm, trong nước còn có 2 nhà máy với công suất 100 triệu lít ethanol/năm tại Dung Quất và Bình Phước. Tuy nhiên, 2 nhà máy này đang tạm dừng sản xuất do chưa có thị trường tiêu thụ.

Dù xu thế sử dụng xăng E5 có chiều hướng tăng dần thể hiện ở lượng xăng E5 tiêu thụ đạt gần 50.000 m3/tháng, nhưng mới chỉ chiếm 9,14% so với tổng lượng xăng khoáng RON 92. Số cửa hàng kinh doanh xăng dầu có bán xăng E5 đạt 1.256 cửa hàng, chiếm 11% so với tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Xăng E5 trong quá trình vận chuyển dễ hao hụt lớn dẫn đến chi phí cao nên không hấp dẫn người kinh doanh.

Ngoài ra, nguyên liệu sản xuất ethanol chủ yếu từ sắn, nhưng giá sắn nguyên liệu tăng cao, giá dầu thô giảm mạnh, khiến giá thành ethanol nhiên liệu của các nhà máy trong nước không cạnh tranh được với xăng khoáng. Từ khi nhà máy sản xuất ethanol sinh học đầu tiên bắt đầu đi vào hoạt động đến nay, giá sắn lát luôn trên mức 3.500 đồng/kg, có thời điểm lên đến 4.500 đồng/kg – 5.000 đồng/kg (trước đó khoảng 1.500 đồng/kg - 1.700 đồng/kg). Trong khi giá dầu thô giảm liên tục từ 147,27 USD/thùng vào giữa năm 2008 xuống dưới 30 USD/thùng vào cuối năm 2015.

Gỡ vướng về cơ chế

Theo ông Nguyễn Phú Cường, chất lượng xăng E5 tại các DN đầu mối kinh doanh khi cung cấp sản phẩm ra thị trường đều được tiến hành các thủ tục đánh giá hợp quy chất lượng sản phẩm. Chất lượng xăng E5 được kiểm soát tốt, không xảy ra khiếu nại của người tiêu dùng trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, việc tồn tại trên thị trường hai loại xăng khoáng RON 92 và E5 đã gây khó khăn cho cơ quan quản lý và các DN kinh doanh xăng dầu trong tổ chức sản xuất, kinh doanh và chống gian lận thương mại. Độ chênh lệch về giá giữa xăng E5 và xăng RON 92, RON 95 chưa đủ lớn để khuyến khích khách hàng chuyển đổi thói quen sử dụng. Bên cạnh đó, lợi nhuận doanh số và chiết khấu chưa đủ mạnh để khuyến khích các đại lý và cửa hàng xăng dầu tham gia kinh doanh xăng E5. Việc xây dựng, lắp đặt trang thiết bị, phụ trợ, bồn bể, các cột bơm xăng E5 tại các đại lý và cửa hàng xăng dầu đòi hỏi đầu tư về mặt bằng cũng như nguồn vốn, dẫn đến các chủ cửa hàng còn nhiều do dự, ngần ngại đầu tư.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Petrolimex Bùi Ngọc Bảo cho rằng, vướng mắc lớn nhất hiện nay là cơ chế về thuế, phí, giá liên quan đến xăng E5. Những nhà phân phối vẫn được phép kinh doanh nhiều loại hàng, trong khi đó xăng E5 khiến họ tốn phí nhiều nhất mà lợi nhuận lại thấp.

Nguồn: Quỳnh Nga/Báo Công Thương điện tử