Xuất khẩu vượt mục tiêu
Theo ông Lê Tiến Trường- Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - năm 2017, tổng cầu dệt may thế giới giảm 0,85% so với năm 2016. Trong đó, nhập khẩu dệt may của Mỹ giảm 0,2%, của EU giảm 0,3%. Cùng với đó, áp lực của Hiệp định TPP bị dừng lại làm tình hình XK dệt may trong những tháng đầu năm hết sức khó khăn. Với quyết tâm cao và nỗ lực hết mình, ngành dệt may đã từng bước ổn định, vượt qua thách thức, hoàn thành vượt mục tiêu đề ra trong năm 2017 với kim ngạch XK đạt 31 tỷ USD, tăng 10,23% so với năm 2016 (mục tiêu đề ra đầu năm là 30 tỷ USD).
Sự tăng trưởng XK của ngành dệt may Việt Nam càng có ý nghĩa hơn khi biết rằng, kim ngạch XK dệt may tại các quốc gia XK dệt may chính trên thế giới vẫn đang giảm sút, hoặc chỉ tăng trưởng rất thấp, cụ thể: Trung Quốc giảm 1,2%, Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia đều giảm 4%, Bangladesh giảm 1,32%; Ấn Độ tăng 4%, các thị trường nhỏ như Pakistan và Campuchia tăng 3-4%.
Bên cạnh việc giữ vững, đạt mức tăng trưởng tốt ở những thị trường XK chính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ngành dệt may Việt Nam đã nỗ lực phát triển đa dạng hóa các thị trường, và đã có sự bứt phá tại các thị trường khác như Trung Quốc, Nga, Campuchia…
Đáng chú ý, thị trường Hàn Quốc đã vươn lên vị trí thứ tư và tiến sát với thị trường Nhật Bản, đạt kim ngạch lên tới 2,7 tỷ USD trong năm nay. Đây là tín hiệu rất đáng mừng, bởi Hàn Quốc là trung tâm thời trang khá lớn, đồng thời cũng là nơi trung chuyển hàng thời trang sang các nước khác tiêu thụ. Bên cạnh đó, XK dệt may của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2017 đã đạt 3,2 tỷ USD, bằng kim ngạch XK sang thị trường Nhật Bản. Ngoài các mặt hàng dệt may truyền thống thì các mặt hàng có giá trị tăng cao như vải, xơ sợi, vải địa kỹ thuật, phụ liệu dệt may cũng có sự tăng trưởng rất tốt.
Hướng 2018 xuất khẩu 34 tỷ USD
“Ngành dệt may sẽ nỗ lực đạt kim ngạch XK 34 tỷ USD trong năm 2018, tăng trưởng hơn 10% so với năm 2017, đây là một mục tiêu đầy tham vọng” - ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh.
Thách thức lớn của năm 2018 theo ông Lê Tiến Trường, đó là tính cạnh tranh sẽ rất cao. Mặc dù năm 2018 được dự báo GDP toàn cầu tăng trưởng bền vững, nhưng tổng cầu thế giới về dệt may chỉ tăng 1-2%, thậm chí là không thay đổi. Trong khi đó, các quốc gia XK dệt may khác đều đang có phản ứng để tăng trưởng và giữ thị phần. Do vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng trên 10% trong năm 2018 đòi hỏi toàn ngành dệt may phải nỗ lực lớn và phải có sách lược đúng đắn.
Chia sẻ về những căn cứ và giải pháp để đạt được mục tiêu XK 34 tỷ USD trong năm 2018, ông Lê Tiến Trường cho biết, ngành dệt may Việt Nam đang ở vị thế tương đối tốt trong “làng” dệt may thế giới; ở vị trí khá cao trong nhóm các nước XK dệt may. Các nước mua hàng lớn của thế giới đều coi Việt Nam là trung tâm cung cấp, đặt Việt Nam trong thứ tự ưu tiên cao.
Cùng với đó, nhiều năm nay, doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng đã đi vào hướng làm những mặt hàng khó. Hiện Việt Nam là quốc gia sản xuất veston nam, nữ lớn nhất thế giới. Hơn nữa, Việt Nam cũng đã có kinh nghiệm trong việc chuyển đổi mô hình từ chỗ chỉ toàn làm gia công sang làm FOB, ODM. Đến nay, tỷ lệ gia công thuần túy chỉ còn 30-35%. FOB đạt 55-60%, còn ODM là sản xuất dệt may từ khâu thiết kế cũng đã đạt gần 10%.
Chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng
Với vai trò dẫn dắt ngành dệt may, năm 2017, Vinatex đã nỗ lực vượt mọi khó khăn, thách thức, XK vượt 2,7% so với kế hoạch tăng trưởng do Thủ tướng Chính phủ giao, doanh thu nội địa tăng 10,6% so với năm 2016.
Ông Lê Tiến Trường cho biết, tăng trưởng doanh thu nội địa đạt trên 10% là sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp thuộc Vinatex, bởi cùng với sự cạnh tranh ngày càng lớn với hàng loạt hãng thời trang tên tuổi trên thế giới như: HM, Zara, Mango… đổ bộ vào Việt Nam, doanh nghiệp dệt may còn phải cạnh tranh không cân sức với hàng lậu, hàng trốn thuế.
Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ mạnh về dệt và may, chưa mạnh về thiết kế thời trang, thương hiệu, phân phối nên sẽ phải nỗ lực cạnh tranh rất nhiều. Tuy nhiên, theo ông Lê Tiến Trường, đây cũng là sự kích thích thị trường, thúc đẩy các doanh nghiệp Việt phát triển ngành thời trang, xây dựng thương hiệu.
Ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Vinatex:
Phát triển ngành dệt may phải gắn liền với Cách mạng công nghiệp 4.0. Từ vài năm gần đây, các doanh nghiệp thuộc Vinatex đã thực hiện đầu tư chiều sâu, tự động hóa từng bước hệ thống sản xuất để tăng năng suất lao động, nhằm giảm tỷ trọng chi phí lao động trên 1 sản phẩm, đây cũng là dư địa để tăng thu nhập cho người lao động.
Nguồn: Baocongthuong.com.vn