Kim ngạch xuất khẩu tăng 5 tỷ USD
Còn nhớ, tại cuộc họp cuối năm 2017, khi đề cập đến mục tiêu xuất khẩu 34 tỷ USD của dệt may năm 2018 đặt, ông Lê Tiến Trường- Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho rằng, đây là mục tiêu đầy tham vọng, bởi năm 2018, ngành dệt may Việt Nam phải đối mặt với thách thức lớn, đó là tính cạnh tranh rất cao, tổng cầu thế giới về dệt may tăng rất ít. Bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa bảo hộ, chiến tranh thương mại thế giới gia tăng, đặc biệt, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung gây ảnh hưởng không nhỏ tới chiều hướng của thị trường dệt may. Trong khi đó, các quốc gia xuất khẩu dệt may đều đang có phản ứng để tăng trưởng và giữ thị phần.
Thách thức là vậy, nhưng với chiến lược đúng đắn và bước đi bài bản, năm 2018, ngành dệt may vẫn đạt được kết quả khả quan, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 36 tỷ USD, tăng tới 5 tỷ USD (16,36%) so với năm 2017, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong mấy năm gần đây. Đây thực sự là con số cực kỳ ấn tượng, khi biết rằng, 5 tỷ USD là kim ngạch xuất khẩu của cả ngành dệt may năm 2007.
Sự tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam càng có ý nghĩa hơn khi biết rằng, kim ngạch xuất khẩu dệt may tại các quốc gia xuất khẩu dệt may chính trên thế giới chỉ tăng trưởng rất thấp, cụ thể: Trung Quốc tăng 3,3% so với năm 2017; Ấn Độ giảm 2,04%; xuất khẩu dệt may Bangladesh giảm 3,7% so với cùng kỳ, đạt gần 32,39 tỷ USD; Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan tăng nhẹ, lần lượt tăng 7,79% và 5,41%; Campuchia tăng 8,2%. Như vậy, so với các nước xuất khẩu dệt may chính, chỉ riêng Việt Nam đạt được mức tăng trưởng hai con số là 16,36%.
Bên cạnh việc giữ vững, đạt mức tăng trưởng tốt ở những thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc,… Đặc biệt, thị trường Hàn Quốc tăng trưởng rất cao, tới 26-27%. Đáng chú ý, ngành dệt may Việt Nam đã có sự bứt phá xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, vốn là thủ phủ của dệt may thế giới.
Đạt được kết quả trên, theo ông Cao Hữu Hiếu- Giám đốc điều hành Vinatex, là do kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định, doanh nghiệp dệt may đã tận dụng tốt những cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại. Cùng với đó, nhiều năm nay, doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng đã đi vào hướng thực hiện những đơn hàng khó nhằm tạo rào cản, để những doanh nghiệp ở quốc gia khác với công nhân tay nghề, kỹ thuật kém sẽ không làm được.
Mục tiêu 40 tỷ USD năm 2019
Bước sang năm 2019, kinh tế thế giới tiềm ẩn những diễn biến rất khó lường. Cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung chưa đi đến hồi kết, còn nhiều ẩn số, những điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường xuất khẩu dệt may thế giới.
Hơn nữa, một trong những rủi ro mà Việt Nam phải đối mặt trong năm 2019 là lãi suất tăng. Một số nước thắt chặt tiền tệ bằng cách tăng lãi suất, như Mỹ hoặc EU, Nhật Bản, lãi suất toàn cầu tăng lên tác động đến tỷ giá và dòng vốn đầu tư sẽ dịch chuyển từ khu vực lãi suất thấp sang khu vực có lãi suất cao, tổng cầu của thị trường thế giới sẽ giảm và áp lực sẽ chuyển sang lãi suất tiền vay.
Tuy nhiên, trong thách thức luôn có cơ hội. Nói về cơ hội với ngành dệt may trong năm 2019, ông Lê Tiến Trường- Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam- cho rằng, lợi thế dành cho Việt Nam đến từ CPTPP với hai thị trường xuất khẩu dệt may tiềm năng là 20 tỷ USD của Canada và 40 tỷ USD của Úc. Việt Nam hiện mới chỉ có 4-5% từ các thị trường này. Nếu kịch bản tốt, 6 tháng cuối năm 2019 sẽ có thêm thị trường EU, từ đó có thể tăng thêm khoảng 1 tỷ USD. Chính vì thế đứng trong phương án giữ được các thị trường xuất khẩu chính ổn định, hiệp định EVFTA đi vào hiệu lực, tận dụng tốt CPTPP, ngành dệt May Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD trong năm 2019.
Cùng với đó, ngành dệt may đặt mục tiêu phải vừa tăng trưởng đảm bảo lợi nhuận hiệu quả, đồng thời đảm bảo bền vững việc làm cho người lao động. Nếu như trước đây, mỗi năm, ngành dệt may đặt mục tiêu là tạo thêm việc làm, còn hiện nay, mục tiêu đã thay đổi, đó là phải tạo việc làm bền vững và được người lao động trên thị trường chấp nhận- ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh.
Xuất khẩu và thị trường nội địa song hành
Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Tập đoàn Dệt May Việt Nam đạt 3,05 tỷ USD. Đáng chú ý, mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng 11% so với cùng kỳ năm 2017, nhưng lợi nhuận của Tập đoàn lại đạt trên 30% do đã dịch chuyển được chất lượng đơn hàng. Đây là kết quả của một chuỗi nỗ lực, được khởi động từ năm 2015 cho đến nay. Năm 2018, Tập đoàn tập trung vào tái đầu tư nhưng không theo chiều rộng mà chú trọng về chất lượng xuất khẩu, phát triển theo hướng bền vững. Kiên trì theo đuổi mục tiêu chiến lược, đó là tăng trưởng chất lượng và bền vững, Tập đoàn chú trọng vào chất lượng đơn hàng, đáp ứng những đơn hàng khó, đòi hỏi tay nghề cao, giao hàng đúng thời hạn.
Đặc biệt, cùng với đẩy mạnh xuất khẩu, Tập đoàn và các thành viên tiếp tục chú trọng mở rộng thị trường nội địa. Ông Cao Hữu Hiếu cho hay, với chiến lược phát triển song hành, cả xuất khẩu và thị trường nội địa, các đơn vị của Tập đoàn như: May 10, May Đức Giang- dệt Phong Phú, Việt Tiến, May Nhà Bè, nhiều năm nay đã chú trọng xây dựng và phát triển các thương hiệu thời trang trong nước với các mẫu thiết kế mới bắt kịp xu hướng thời trang thế giới, được người tiêu dùng rất ưa chuộng như: S.pearl của Tổng công ty Đức Giang, Grusz của Tổng Công ty May 10, Merriman của Tổng Công ty Hòa Thọ, Mattana của Tổng Công ty Nhà Bè… Đây là bước đi đúng hướng của ngành dệt may Việt Nam, tập trung vào khâu thiết kế mẫu mã để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Năm 2019, Tập đoàn tiếp tục phát triển thiết kế thời trang cho từng lứa tuổi, đa dạng hóa kiểu dáng cũng như nguyên liệu đầu vào, phân khúc thị trường, nhằm chiếm lĩnh thị trường nội địa.
Cùng với đó, Tập đoàn cũng đang tiến hành xây dựng thương hiệu cho ngành sợi để định vị trên thị trường may quốc tế; phấn đấu giữ vị trí TOP 5 nhà sản xuất được khách hàng ưu tiên lựa chọn đặt hàng- ông Cao Hữu Hiếu khẳng định.

Ông Lê Tiến Trường- Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam: Năm 2019, ngành dệt may Việt Nam phấn đấu đạt 40 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Đây là mục tiêu rất cao. Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động như hiện nay, để đạt được mức tăng trưởng 10% xuất khẩu, doanh nghiệp dệt may cần đưa ra các giải pháp cụ thể với từng kịch bản thị trường, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp sợi, vải để cùng vượt qua các khó khăn thách thức biến động thị trường.

Nguồn: Báo công thương điện tử