Về thị trường xuất khẩu, những thị trường xuất khẩu trọng điểm như Hoa Kỳ, các nước khối CPTPP, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN... đều tăng mạnh, tốc độ tăng vượt trội so với cùng kỳ năm 2017; các mặt hàng xuất khẩu bứt phá mạnh trong 6 tháng đầu năm 2018 là vải, áo thun, áo jacket, váy...

Cơ hội từ CPTPP và EVFTA
Đạt được kết quả trên, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, có phần tác động của các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới. Hiện Việt Nam đang có 10 Hiệp định Thương mại đang thực thi và sắp tới là Hiệp định CPTPP, Hiệp định Thương mại Việt Nam-EU sắp được phê chuẩn.
Tại Hội thảo Hiệp định CPTPP-EVFTA: Những tác động đối với ngành dệt may Việt Nam do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) tổ chức sáng ngày 18/7/2018, ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Vitas cho hay: CPTPP sẽ tạo ra sân chơi có tính toàn diện, rộng mở hơn cho ngành dệt may. Bên cạnh đó, Hiệp định này cũng tạo ra lực hút các nhà đầu tư bên ngoài vào lĩnh vực nguồn cung của phụ liệu dệt may vốn đang thiếu hụt. Thể hiện ở dòng đầu tư từ nhiều tập đoàn dệt may lớn của thế giới đang đổ vào ngành dệt may Việt Nam. Hiện Hàn Quốc đang là nhà đầu tư lớn nhất vào ngành, điều này có đóng góp không nhỏ từ FTA Việt Nam - Hàn Quốc. Tiếp sau Hàn Quốc, các nhà đầu tư châu Âu, Mỹ, Đài Loan, Hồng Kông… cũng đang quan tâm đầu tư sản xuất hàng dệt may tại Việt Nam.
Thời gian gần đây có nhiều dự án dệt may của các nhà đầu tư nước ngoài được khởi công tại các địa phương như: Nhà máy kéo sợi len lông cừu Đà Lạt quy mô khoảng 20.000 m2 liên doanh giữa tập đoàn Südwolle Group - CHLB Đức và Công ty cổ phần Dệt may Liên Phương; Nhà máy nhuộm của Mỹ tại KCN Nhơn Trạch (Đồng Nai)…
Đặc biệt, từ cuối năm 2017 đến nay, tình hình đơn hàng từ các nước thành viên CPTPP với các DN dệt may Việt Nam tăng lên nhanh chóng. Những đơn hàng từ các thị trường như Australia, New Zealand, Canada… trước đây tương đối khó khăn thì đến nay đã tốt hơn rất nhiều- ông Giang cho biết thêm.
Ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Vitas: Doanh nghiệp dệt may cần chủ động nắm bắt, hiểu rõ những quy định của CPTPP FVFTA để có thể tận dụng tối đa những lợi ích từ các Hiệp định này
Chủ động ứng phó với những thách thức
Theo ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), ngành Dệt may Việt Nam được dự báo là ngành được hưởng lợi nhất nhưng cũng cần chủ động trước những thách thức, khó khăn mới. Đặc biệt là các điều khoản trong CPTPP đòi hỏi quy tắc xuất xứ chặt chẽ "từ sợi trở đi". Bởi nếu không thể đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ thì doanh nghiệp không thể tận dụng được cơ hội, các FTA sẽ trở nên vô nghĩa. Do vậy, DN cần nắm vững những quy định mới của các thị trường về vấn đề Tự chứng nhận xuất xứ để tạo thuận lợi cho hoạt động XNK của mình.
Hơn nữa, hiện một số thị trường hiện nay có xu hướng gia tăng chính sách bảo hộ thương mại hay nguy cơ Việt Nam có thể bị lợi dụng để lẩn tránh xuất xứ hàng hóa XK trong điều kiện chiến tranh thương mại giữa các nước.
Bên cạnh đó, sắp tới sẽ có thêm thuận lợi trong vận tải hàng hóa bằng đường sắt Việt Nam – Trung Quốc, đường sắt châu Âu…, các DN cũng cần tìm hiểu thêm đển tận dụng tốt những kênh vận tải này để có thể giảm thiểu chi phí- ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Nhận định về hoạt động xuất khẩu dệt may những tháng cuối năm nay, ông Trương Văn Cẩm- Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao trong 6 tháng đầu năm, cùng với những diễn biến mới từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung theo hướng có lợi cho hàng hóa của Việt Nam cũng như tiến độ nhập khẩu nguyên phụ liệu đang tăng nhanh, dự kiến xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 6 tháng cuối năm sẽ đạt tốc độ tăng trưởng tốt, kim ngạch ước đạt 18,5 tỷ USD, nâng kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 35 tỷ USD, vượt 1 tỷ USD so với kế hoạch.
Nguồn: Baocongthuong.com.vn