Tồn kho lớn, tiêu thụ chậm
Báo cáo của VNCA cho thấy, tổng lượng xi măng tiêu thụ nội địa trong tháng 5/2017 đạt 5,28 triệu tấn, giảm 10% so với tháng trước và giảm 7% so với cùng kỳ năm 2016. Trước thực trạng trên, ông Lương Quang Khải - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) - cho biết, hiện Vicem sở hữu 8 DN thành viên chuyên sản xuất xi măng, cộng thêm 2 đơn vị mới nhận về là Xi măng Sông Thao và Xi măng Hạ Long, Vicem đang nỗ lực lo tiêu thụ trong bối cảnh dư cung. Tính đến hết tháng 5/2017, Vicem đang có lượng xi măng và clinker tồn kho vào khoảng 1,4 triệu tấn, tương đương hơn 30 ngày sản xuất.
"Theo tính toán của Vicem, điều kiện tốt nhất cho tồn kho đối với Vicem là 20 ngày sản xuất, tương đương 800.000 đến 1 triệu tấn, vừa đủ để dự phòng cho sự cố máy móc. Tuy nhiên, hiện lượng clinker, xi măng tồn trong kho của Vicem tại thời điểm này rất đáng lo ngại" - ông Lương Quang Khải lo lắng và thông tin thêm - trong số 10 DN thành viên Vicem, tiêu thụ vất vả nhất là các DN khu vực miền Trung, như Vicem Hoàng Mai, Vicem Bỉm Sơn, do việc bổ sung nguồn cung từ cuối năm 2016 đều tập trung tại khu vực này. Điển hình như Nghệ An, chỉ tiêu thụ khoảng 1,5 - 2 triệu tấn, nhưng chỉ riêng 1 nhà máy mới đưa vào hoạt động tại địa phương này đã có công suất 4 triệu tấn, chưa kể các nhà máy xi măng đã có từ trước đó.
Tìm lối thoát từ xuất khẩu
Hướng đi cho sản lượng xi măng dư thừa chính là con đường XK. Từ đầu năm đến nay, XK xi măng duy trì được mức tăng trưởng dương về sản lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2016, nhưng so với năm 2014, XK đang có chiều hướng đi xuống.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm, XK xi măng và clinker của Việt Nam đạt 8,2 triệu tấn, trị giá 288 triệu USD; riêng tháng 5/2017, XK nhóm hàng này đã tăng 16,6% về lượng và tăng 10,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016.
Hiện tại, Bangladesh và Phillipines vẫn là hai thị trường XK xi măng và clinker lớn nhất của Việt Nam, trong đó XK sang thị trường Bangladesh đạt 3,5 triệu tấn, trị giá 103 triệu USD; Phillippines đạt 2,2 triệu tấn, trị giá 96,2 triệu USD; Peru đạt 241.000 tấn, trị giá 11,2 triệu USD; Đài Loan 349.000 tấn, trị giá 10,3 triệu USD…
Để tập trung đẩy mạnh XK, hạn chế tồn kho xi măng, ông Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch VNCA - khuyến nghị, DN cần quan tâm đến đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm bằng việc hợp lý hóa quy trình vận chuyển để tiết kiệm thời gian, chi phí. DN xi măng phải chuyên nghiệp hơn trong hoạt động, từ khâu sản xuất đến phân phối, tiêu thụ, bán hàng đến chăm sóc khách hàng để hướng tới XK bền vững.
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng cũng tập trung phối hợp với VNCA tuyên truyền, vận động các DN, đề ra các biện pháp phù hợp nhằm nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp, tăng cường liên kết, hợp tác đẩy mạnh XK.
VNCA dự báo, tiêu thụ xi măng trong nước năm 2020 vào khoảng 82 triệu tấn, nghĩa là sẽ dư thừa 36-47 triệu tấn xi măng. Còn theo dự báo trong quy hoạch, với khả năng tiêu thụ trong nước năm 2020 là 93 triệu tấn thì sẽ dư thừa khoảng 25-36 triệu tấn xi măng.
Nguồn: Lan Anh/Báo Công Thương điện tử