Nguy cơ thiếu điện ở miền Nam
Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải cho biết, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, trong 5 năm (2018 - 2022), tổng công suất các nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành là 34.864MW; trong đó, nhiệt điện (NĐ) 26.000MW. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chỉ có 7 dự án NĐ than (7.860MW) đang xây dựng, còn thiếu tới 18.000MW so với kế hoạch. Đặc biệt, nhiều dự án nguồn điện đã khởi công đang chậm tiến độ.
Bên cạnh đó, việc bảo đảm nguồn nhiên liệu cho phát điện còn tiềm ẩn rủi ro. Cụ thể, các nguồn khí thiên nhiên trong nước hiện đang khai thác đã suy giảm nhưng chưa có nguồn cấp khí thay thế; Dự án Khí lô B và Cá Voi Xanh vẫn còn nhiều rủi ro về tiến độ; việc xây dựng cảng than trung chuyển tại Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp khó khăn..., ảnh hưởng rất lớn đến cung ứng điện.
Theo ông Ngô Sơn Hải, trong các năm 2019 - 2020, nguồn cung ứng điện có thể được bảo đảm với điều kiện các tổ máy chạy tin cậy, đủ nhiên liệu cùng với tăng huy động phát điện chạy dầu. Giai đoạn 2021 - 2023, nhiều khả năng xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam. Tình trạng này có thể kéo dài đến năm 2025 nếu phụ tải tăng trưởng cao, lượng nước về các hồ thủy điện kém hơn trung bình nhiều năm; nguồn khí lô B, Cá Voi Xanh chậm tiến độ và các dự án nguồn điện mới tiếp tục bị chậm tiến độ.
Phát triển cung, kiểm soát cầu
Để cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2030, EVN đã đưa ra hai nhóm giải pháp chính, bao gồm: Kiểm soát nhu cầu phụ tải và phát triển nguồn điện.
Cụ thể, để kiểm soát nhu cầu phụ tải, nhà nước cần đưa ra các cơ chế đẩy mạnh chương trình điều tiết phụ tải thông qua các giải pháp tăng cường sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả và quản lý nhu cầu sử dụng điện. Thực hiện giá bán điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các bên, vừa khuyến khích đầu tư, vừa sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Kiểm tra giám sát các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức về sử dụng năng lượng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; lựa chọn áp dụng quy trình và mô hình quản lý sản xuất tiên tiến, biện pháp công nghệ phù hợp và thiết bị công nghệ có hiệu suất cao.
Về giải pháp bảo đảm nguồn cung, EVN đề nghị, từ nay đến năm 2020, đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn điện, nhất là khu vực phía Nam; bảo đảm cung cấp đủ khí cho phát điện; sớm có cơ chế về khung giá mua điện từ Lào; tăng cường nhập khẩu điện từ Trung Quốc ở phía Bắc theo phương án cách ly lưới điện. Đồng thời, tạo điều kiện phát triển các dự án điện mặt trời thuận lợi về đấu nối và phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch; tập trung đầu tư công trình lưới điện 220-110kV để đấu nối truyền tải các nguồn điện năng lượng tái tạo.
Giai đoạn 2021 - 2025 và đến năm 2030, tiếp tục đàm phán với chủ đầu tư các nhà máy điện tại Lào để đấu nối bán điện trực tiếp về lưới điện Việt Nam; giải quyết các vướng mắc và có cơ chế, chính sách thực hiện đúng tiến độ chuỗi Dự án Khí lô B, Cá Voi Xanh và các dự án nguồn điện đồng bộ; ưu tiên khí cho phát điện và giảm lượng khí cấp, thậm chí dừng cấp khí cho các hộ tiêu thụ khác để bảo đảm an ninh năng lượng; tiếp tục nghiên cứu đầu tư nguồn điện bổ sung cho hệ thống điện quốc gia...
EVN đề nghị nhà nước có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời phân tán và tại khu vực khả thi về đấu nối, nhất là ở miền Trung và miền Nam.
Nguồn: Đình Dũng/Báo Công thương điện tử