Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, riêng tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), diện tích nuôi tôm hiện đã có 635 ngàn ha, chiếm 75% diện tích nuôi tôm cả nước. Qua khảo sát tại các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, phần lớn các hộ nuôi đều sử dụng các thiết bị sục nước truyền thống, cũ kỹ, hiệu suất thấp, tiêu hao nhiều điện năng.

EVN SPC đã triển khai, hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật để tiết kiệm điện đến các vùng nuôi tôm đang sử dụng thiết bị hiệu suất thấp.
Theo đó, EVN SPC triển khai thí điểm Đề án “Hỗ trợ tiết kiệm điện cho các hộ nuôi tôm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và các tỉnh Nam Bộ giai đoạn 2016 - 2018”.
Theo EVN SPC, với 2 mô hình thí điểm tại Sóc Trăng, sau gần 1 năm thực hiện, thực tế lượng điện năng tiêu thụ của các mô hình cho thấy: Với mô hình 1, đề án đã thu hút được 161 hộ nuôi tôm tại thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề, Cù Lao Dung và huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng tham gia. EVN SPC đã hỗ trợ miễn phí 10.134 bộ con lăn đỡ trục quay dàn quạt tạo khí ôxy cho các hộ nuôi tôm, phí nhân công lắp đặt, tuyên truyền và hướng dẫn sử dụng cho các hộ thực hiện.
Kết quả, việc thay thế gối đỡ chữ U bằng con lăn đỡ trục quay, lượng điện năng tiết kiệm được 15,2% so với trước khi áp dụng. Lợi ích thấy rõ đối với các hộ nuôi khi giảm chi phí tiền điện khá lớn, cụ thể: với chi phí vật tư, nhân công lắp đặt là: 609 triệu đồng, nhưng chi phí tiền điện tiết kiệm hàng năm của 161 hộ là 757 triệu đồng.
Ở mô hình đồng trục hóa mô tơ với trục dẫn dàn quạt, kết hợp sử dụng con lăn đỡ trục quay thay thế con lăn gối đỡ chữ U, lượng điện năng tiết kiệm lên đến 38,7% so với trước. Tương ứng với chi phí tiền điện tiết kiệm hàng năm là 1,9 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, mô hình này có tính khả thi rất cao, vì đơn giản, người dân dễ tiếp cận, dễ thực hiện. Việc giảm được 38,7% lượng điện tiêu thụ có ý nghĩa rất lớn trong việc giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của con tôm trên thị trường.
Một thành viên Hiêp hội nuôi tôm huyện Mỹ Thanh, Sóc Trăng chia sẻ, đây là một mô hình mang lại lợi ích lớn cho các hộ nuôi tôm. Bên cạnh việc tiết kiệm chi phí tiền điện, giải pháp cải tiến còn giảm hư hỏng thiết bị, giúp ôxy hòa tan trong ao ổn định hơn, tạo môi trường sống tốt hơn cho tôm để nâng cao năng suất.
Đối với tỉnh Sóc Trăng, hiện có diện tích nuôi tôm lớn nhất ĐBSCL với trên 54.361ha tôm nước lợ, diện tích thâm canh và bán thâm canh trên 48.128ha.Và diện tích nuôi tiếp tục tăng lên mỗi năm. Trong đó, điện dành cho nuôi tôm của tỉnh chiếm khoảng 221 triệu kWh, tương ứng khoảng 20% sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh. Vì vậy mô hình tiết kiệm này sớm được nhân rộng sẽ mang lợi ích rất lớn.
Năm 2018, EVN SPC đang triển khai một giải pháp mới tại các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau bằng việc thay động cơ điện hiệu suất cao, điều tốc kết hợp với thay con lăn và chỉnh đồng trục dàn quạt với trục động cơ, nhằm khuyến khích các hộ nuôi tôm thay thế các loại động cơ cũ bằng động cơ hiệu suất cao kết hợp bộ giảm tốc và sử dụng con lăn cho đàn quạt tạo ôxy.
Theo ông Nguyễn Phước Đức, Phó Tổng giám đốc EVN SPC, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về phát triển vùng nuôi tôm bền vững và hiệu quả, EVN SPC đang tích cực phối hợp với các địa phương để cấp điện 3 pha đến các vùng quy hoạch và phát triển trên diện rộng các mô hình thực nghiệm, đem lại lợi ích cho người nuôi và cộng đồng.
Nguồn: Đình Hoàng/Báo Công thương điện tử