Ngoại thương Trung Quốc vẫn tiếp tục suy giảm

Ngoại thương Trung Quốc vẫn tiếp tục sụt giảm từ đầu năm và chưa có dấu hiệu phục hồi. Theo số liệu thống kê của Hải quan Trung Quốc, 10 tháng đầu năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc với thế giới đạt 2981,5 tỷ USD, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, xuất khẩu ra thế giới đạt 1711,5 tỷ USD giảm 7,7% và nhập khẩu đạt 1270 tỷ USD giảm 7,5%.

Các ngành sản xuất công nghiệp cơ bản duy trì tăng trưởng thấp, trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng, đặc biệt là chi phí nhân công, chi phi đầu vào nói chung tăng khiến hàng hoá sản xuất mất dần tính cạnh tranh về giá. Mặc dù Chính phủ Trung Quốc liên tục điều chỉnh giảm tỷ giá NDT/USD nhằm tăng sức cạnh tranh cho hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc tuy nhiên cũng chưa mang lại hiệu quả tích cực trông thấy.

Đồng Nhân dân tệ liên tục mất giá

Theo Hệ thống giao dịch ngoại hối Trung Quốc (CFETS), tỷ giá trung tâm của đồng Nhân dân tệ (NDT) ngày 24/10 đã giảm 132 điểm cơ bản xuống còn 6,769 NDT/USD. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 9/2010, trong bối cảnh thị trường ngày càng kỳ vọng Mỹ tăng lãi suất dẫn đến việc đồng USD tăng giá. Việc phá giá đồng NDT có mục tiêu chính nhằm tăng cường quốc tế hóa đồng NDT và nhiều mục tiêu khác (trong đó có cả mục tiêu phục hồi tỷ giá do trong một thời gian dài đồng tiền này lên giá so với đồng USD), tuy nhiên chắc chắn cũng có lý do xuất phát từ chỉ số xuất khẩu của Trung Quốc sụt giảm mạnh.

Việc Trung Quốc hạ lãi suất về ngắn hạn có thể có tác động tiêu cực đáng lo ngại cho doanh nghiệp Việt Nam. Khi lãi suất giảm, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tăng sản xuất, hàng hóa Trung Quốc sẽ nhiều và cạnh tranh về giá. Các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc càng khó khăn. Trong khi đó, hàng hóa Trung Quốc xuất sang thị trường Việt Nam dễ dàng hơn.

Ngoài ra, việc cắt giảm lãi suất và phá giá của đồng NDT cũng có thể dẫn đến hệ lụy làm cho dòng đầu tư vào Việt Nam bị giảm sút do giá nguyên liệu tăng cao và phần lớn nguyên liệu sử dụng của các doanh nghiệp FDI là nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu việc hạ lãi suất giúp chặn được đà suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc, về dài hạn Việt Nam vẫn có thể hưởng lợi từ mức độ tăng trưởng chung của Trung Quốc.

Theo công bố của Trung tâm giao dịch ngoại hối Trung Quốc ngày 25/11/2016, tỷ giá hối đoái giữa đồng Nhân dân tệ và đồng Đô la Mỹ (USD) trong ngày đạt 1USD đổi 6,96 CNY.

Kể từ tháng 8 năm 2008 đến nay, đây là mốc thấp nhất của đồng Nhân dân tệ mất giá so với đồng USD. Theo giới phân tích nhận định, đồng Nhân dân tệ liên tục mất giá ngoài yếu tố nhu cầu phá giá nội địa nhằm tăng xuất khẩu của Trung Quốc ra còn có hiệu ứng đến từ việc ứng cử viên Donal Trupm thắng cử chức Tổng thống Mỹ trong kỳ bầu cử vừa qua, cũng như việc dự kiến FED sẽ tăng lãi xuất trong tháng 12 tới đây.

Mặc dù trong thời gian gần đây, giá trị đồng Nhân dân tệ so với đồng USD có sự tăng nhẹ tuy nhiên vẫn ở mức khá cao so với thời gian trước.(Cập nhật ngày 12/12/2016, 1USD = 6,9 Nhân dân tệ).

Giá than Trung Quốc tiếp tục tăng cao

Giá than của Trung Quốc trong những tháng cuối năm 2016 liên tục đạt đỉnh mới trong thời gian qua. Theo đó, giá than cốc thời điểm thấp nhất tại Trung Quốc vào đầu năm nay là 558 NDT/tấn, đến ngày 26/10/2016, giá này đã lên đến 1.765NDT/tấn (khoảng 261 USD), tăng hơn 200%. Giá than tại thị trường Trung Quốc tiếp tục tăng cao do nhu cầu sử dụng than cung ứng cho phát điện vào mùa đông cũng như khởi động các lò sưởi nhiệt tăng cao. Thêm vào đó chỉ số công nghiệp của Trung Quốc cũng đang ấm trở lại kéo theo nhu cầu sử dụng than cho ngành này cũng tăng lên. Với tâm lý “mua khi giá lên, không mua khi giá rớt” và sợ không mua đủ than cung ứng cho mùa đông của nhiều nhà máy nhiệt điệt đã làm cho giá than tại Trung Quốc càng đẩy giá than tăng cao.

Cuối tháng 10 vừa qua, Ủy ban phát triển cải cách quốc gia, Cục Năng lượng quốc gia, Cục giám sát an toàn ngành than và Hiệp hội công nghiệp than Trung Quốc đã nhóm họp đưa ra giải pháp nhằm giải quyết tình trạng thiếu than của Trung Quốc trong giai đoạn vừa qua. Theo đó, Trung Quốc chỉ đạo các giếng than có công nghệ khai thác tiên tiến đã được phê chuẩn đẩy nhanh tiến độ khai thác gia tăng sản lượng, đồng thời cổ vũ các doanh nghiệp sử dụng than ký kết hợp đồng lớn, dài hạn cho năm sau và hy vọng với việc sản lượng được tăng lên sẽ giảm bớt áp lực tăng giá của ngành than Trung Quốc hiện nay.

Được biết, giá than của Trung Quốc tăng cao từ đầu năm đến nay do Trung Quốc áp dụng chính sách 276 ngày làm việc/năm (trước đây là 330 ngày/năm) kéo theo sản lượng than khai thác của Trung Quốc giảm trực tiếp 16% .

Nguồn: moit.gov.vn