Nhiệt điện than đóng vai trò quan trọng
TS. Nguyễn Mạnh Hiến - nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng - khẳng định, nguồn nhiệt điện than luôn chiếm tỷ trọng cao nhất về công suất cũng như sản lượng. Nhiệt điện than có thời gian và chi phí đầu tư hợp lý, quy trình vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa có kinh nghiệm truyền thống và đặc biệt phù hợp với mô hình phát triển kinh tế của các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. “Để giảm tỷ lệ nhiệt điện than không hề đơn giản, vì rất khó tìm nguồn thay thế, trong khi các dự án thủy điện vừa và lớn đã khai thác gần hết, nguồn khí tự nhiên khai thác cũng đã đến giới hạn và triển vọng nhập khí hóa lỏng sẽ diễn ra sau năm 2025” - TS. Nguyễn Mạnh Hiến cho biết.
Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi bày tỏ: “Chúng ta không khuyến khích nhưng phát triển nhiệt điện than là bước đi không thể thiếu. Vai trò của nhiệt điện than vẫn hết sức quan trọng trong thời điểm này”.
Theo tính toán của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, từ nay đến năm 2020 và năm 2025, xu hướng phát triển phụ tải điện ở phía Nam ở mức rất “nóng”. Tính toán cân bằng cung - cầu điện toàn quốc giai đoạn 2017-2020, miền Nam sẽ không thể tự cân đối cung - cầu nội miền, sản lượng điện thiếu hụt hàng năm khoảng 10-15% tổng nhu cầu (khoảng 2.000MW). Do đó, miền Nam luôn phải nhận điện qua hệ thống truyền tải điện từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam với nhu cầu khoảng 15 tỷ kWh năm 2017 và sẽ tăng tới 21 tỷ kWh vào năm 2019. Tuy nhiên, hiện tại năng lực truyền tải điện vào miền Nam chỉ đáp ứng được 18,5 tỷ kWh/năm (đạt ngưỡng giới hạn truyền tải Bắc - Nam). Một nguyên tắc trong hệ thống điện, nguồn điện ở đâu phụ tải ở đấy là tối ưu, vì thế phải xây dựng các nhà máy nhiệt điện than ở miền Nam.
Tập trung xử lý môi trường
Thực tế cho thấy, việc phát triển nhiệt điện than vẫn rất cần trong thời gian tới. Tuy nhiên, để nhiệt điện than phát triển, Việt Nam cần quan tâm đến việc xử lý môi trường tốt hơn nữa. Mặc dù, đầu tư cho môi trường trong xây dựng, vận hành nhiệt điện than là cao và tốn kém.
EVN “hiến kế”, phương thức thải xỉ khô được đánh giá là một trong những biện pháp tiết kiệm tài nguyên nước và năng lượng so với phương pháp thải xỉ ướt; thúc đẩy quá trình tái sử dụng tro, xỉ. Hiện nay, các nhà máy nhiệt điện than của EVN đều sử dụng hệ thống thiết bị lọc bụi tĩnh điện hiệu suất cao.
Đối với giải pháp xử lý và tái sử dụng tro xỉ, ông Nguyễn Tài Anh - Phó Tổng giám đốc EVN - cho biết, các nhà máy nhiệt điện than tại khu vực phía Bắc (Phả Lại, Uông Bí, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Nghi Sơn 1) đều có hợp đồng với đơn vị tiêu thụ tro, xỉ… Tại miền Nam, nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần đầu tư Mãi Xanh bao tiêu toàn bộ lượng tro xỉ của nhà máy trong toàn đời dự án để sản xuất vật liệu xây dựng, gạch không nung, kết cấu bê tông lấn biển…
Mới đây, Tổng cục Năng lượng đã phối hợp với Trung tâm Năng lượng than Nhật Bản (JCOAL) nhằm phát triển công nghệ phát điện hiệu suất cao, ít phát thải. Theo đó, với kinh nghiệm thực tế và năng lực công nghệ, phía Nhật Bản sẽ hỗ trợ cho Việt Nam trong vấn đề nhiệt điện than, xây dựng một nhà máy nhiệt điện than điển hình về môi trường ở Việt Nam.
Nhiều chuyên gia về năng lượng cho rằng, ngày nay, công nghệ xử lý môi trường nhiệt điện than đã đạt đến trình độ rất cao. Trong tương lai, công nghệ xử lý môi trường của nhiệt điện than chắc chắn sẽ tốt hơn hiện nay rất nhiều. Than được xử lý ngay từ khi mới nhập vào kho của nhà máy. Bụi than, lưu huỳnh… được xử lý trước khi lên băng chuyền vào lò đốt. Các hệ thống lọc bụi, lọc khí đều đạt ở trình công nghệ rất cao (gần 100%). Loại lò thông số siêu tới hạn, lò tầng sôi kéo dài thời gian đốt, đốt kiệt than, tro xỉ cũng có rất nhiều công nghệ cao, không gây tác hại ảnh hưởng tới môi trường.
Nguồn: Việt Anh/Báo Công Thương điện tử