Điện sinh khối từ mía đường có thể đạt công suất 737 MW
Theo báo cáo "Tạo sự hấp dẫn cho năng lượng sinh khối trong ngành mía đường ở Việt Nam" của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) và Viện Tăng trưởng Xanh toàn cầu (GGGI), hiện tại có 38 nhà máy đường ở Việt Nam sử dụng sinh khối để sản xuất điện và nhiệt với tổng công suất khoảng 352 MW.
Trong số đó, chỉ có 4 nhà máy phát điện lên lưới với tổng công suất là 82,51 MW (22,4%), bán được 15% sản lượng điện được tạo ra từ sinh khối lên lưới với mức giá 5,8 US cent/kWh.
Báo cáo chỉ ra ngành công nghiệp mía đường có thể đạt được công suất tiềm năng là 737 MW điện được sản xuất từ năng lượng sinh khối trong kịch bản đa nhiên liệu và sản xuất được gần 4.300 GWh/năm.
Công suất tiềm năng này gần như gấp đôi công suất lắp đặt hiện tại trong ngành công nghiệp mía đường. GIZ và GGGI nhận định với kịch bản đơn nhiên liệu, ngành này có tiềm năng công suất đạt tới 564 MW và sản lượng lên được tới 1.600 GWh/năm.
Nâng giá điện sinh khối mía đường lên 9,35 US cent/kWh
GIZ và GGGI cho rằng mức giá điện sinh khối hiện tại, 5,8 US cent/kWh, là không đủ để đạt được công suất tiềm năng 737 MW năng lượng sinh khối trong ngành mía đường.
Ở mức giá này, không có công suất bổ sung nào được ước tính là khả thi về kinh tế để bổ sung cho 352 MW công suất lắp đặt hiện tại, trong cả hai kịch bản đơn nhiên liệu và đa nhiên liệu.
Ở mức giá 7,4 UScent/kWh hiện được áp dụng cho công nghệ sinh khối không đồng phát nhiệt điện.
Phân tích của GIZ và GGGI cho thấy công suất được tăng lên 514 MW trong kịch bản đa nhiên liệu trong khi giá trị hiện tại thuần (NPV) vẫn âm trong kịch bản đơn nhiên liệu. Để đạt được tiềm năng đầy đủ ở mức 737 MW, thì mức giá bán điện đề xuất là 9,35 US cent/kWh và sử dụng đa nhiên liệu thay cho đơn nhiên liệu.
So sánh với các nước trong khu vực, mức giá cho năng lượng sinh khối ở Việt Nam khá thấp, chưa bằng một nửa mức giá của Thái Lan (13 US cent) và Philippines (12,4 US cent).
Báo cáo chỉ ra so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, công suất lắp đặt năng lượng sinh khối hiện tại của Việt Nam rất thấp chỉ vào khoảng 352 MW, trong khi Thái Lan là 3,3 GW và Indonesia là 1,7GW.
So sánh với giá bán điện từ năng lượng tái tạo khác ở Việt Nam, sự chênh lệch khá đều nhau. Giá bán cho năng lượng mặt trời hiện ở mức 9,35 US cent, giá cho năng lượng gió đã được nâng lên 8,5 US cent với năng lượng gió trên bờ và 9,5 US cent với năng lượng gió ngoài khơi, và giá cho năng lượng từ rác thải là 10,5 US cent.
GIZ và GGGI cho rằng điều này không công bằng giữa các loại năng lượng tái tạo khác nhau, đem lại các cơ hội không bình đẳng cho các nhà phát triển độc lập cũng như nhà đầu tư vào năng lượng sinh khối. Ngoài ra, cũng như các loại năng lượng tái tạo khác, năng lượng sinh khối không chỉ đem lại các lợi ích kinh tế mà còn đem lại lợi ích xã hội đặc biệt là trong ngành nông nghiệp.
"Việc giải quyết sự không công bằng về giá bán điện sẽ khuyến khích đầu tư tư nhân nhiều hơn vào năng lượng sinh khối và mở rộng được lĩnh vực này", GIZ và GGGI nhận định.
Nguồn: Vietnambiz.vn