Theo đó, thành phố sẽ rà soát, chuyển giao lưới điện hạ áp nông thôn từ các tổ chức kinh doanh điện chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển điện lực theo quy định của pháp luật hoặc không có khả năng trả nợ vốn vay Dự án RE2 cho Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVN HANOI) tiếp nhận, quản lý và bán lẻ trực tiếp đến hộ dân.
EVN HANOI có trách nhiệm tiếp nhận lưới điện hạ áp được bàn giao theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, hoàn trả chủ đầu tư giá trị tài sản lưới điện hạ áp nông thôn được giao nhận và tiếp nhận trả nợ vốn vay Dự án RE2 phần còn lại theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, thực hiện đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn sau tiếp nhận, đảm bảo cấp điện chất lượng, an toàn đúng quy định pháp luật; xây dựng kế hoạch và bố trí vốn đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng lưới điện tại các xã nông thôn mới (NTM), các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi tập trung, vùng bãi trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn sẽ do EVN HANOI cân đối bằng nguồn của ngành điện và ngân sách thành phố; phối hợp với Sở Công Thương nghiên cứu áp dụng thí điểm ứng dụng công nghệ mới sử dụng năng lượng sạch cho chiếu sáng các tuyến đường nông thôn.
Thành phố cũng giao EVN HANOI lập dự án đầu tư xây dựng lưới điện trung áp đồng bộ lưới điện hạ áp của Dự án RE2, từ nguồn vốn vay Quỹ Đầu tư phát triển TP. Hà Nội.
Theo EVN HANOI, hiện trên địa bàn thành phố còn 56 tổ chức (ngoài EVN HANOI) quản lý kinh doanh phân phối và bán lẻ điện trực tiếp đến các hộ dân nông thôn. Hệ thống lưới điện nông thôn của thành phố mặc dù đã được đầu tư cải tạo nhưng chưa đồng bộ, tổn thất điện năng còn cao…; các dự án đầu tư lưới điện trung áp đồng bộ lưới điện hạ áp thực hiện không đúng tiến độ làm ảnh hưởng hiệu quả khai thác lưới điện hạ áp. Bên cạnh đó, cần phải tiếp tục thu hồi nợ vốn vay Dự án RE2 đến năm 2025 từ các đơn vị tiếp nhận công trình lưới điện hạ áp để trả vốn vay Ngân hàng Thế giới vẫn còn nhiều vướng mắc...
Để việc giao nhận lưới điện nông thôn đúng tiến độ, đại diện EVN HANOI kiến nghị UBND TP. Hà Nội, Sở Công Thương, Sở Tài chính có kế hoạch bàn giao các xã không đủ điều kiện hoạt động điện lực, không đủ khả năng tài chính và 17 tổ chức có công trình điện đầu tư trước ngày 12/2/2009, hướng dẫn giao nhận và hoàn trả vốn đầu tư tài sản lưới điện hạ áp nông thôn; tạo điều kiện về quy hoạch và mặt bằng đối với các công trình điện theo Chương trình Xây dựng NTM…
TP. Hà Nội có 17 huyện và thị xã Sơn Tây thuộc vùng nông thôn, trong đó có 405 xã, thị trấn. Sau khi hoàn thành Đề án điện nông thôn giai đoạn 2008-2012, kế hoạch điện nông thôn giai đoạn 2013-2015, hệ thống lưới điện nông thôn TP. Hà Nội được đầu tư cải tạo nâng cấp; chất lượng điện năng được cải thiện, tổn thất điện năng giảm từ trên 30% xuống còn 8%-10%.
Nguồn: Nguyễn Hạnh/Báo Công Thương điện tử