Tập đoàn Hòa Phát vừa quyết định đầu tư theo chiều sâu vào chuỗi các sản phẩm thép bằng dự án Nhà máy sản xuất thép dự ứng lực tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. Nhà máy này dự kiến được triển khai trong vòng 12 tháng kể đầu năm 2018 và cho sản phẩm ra thị trường từ đầu năm 2019. 
Với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, nhà máy sản xuất thép dự ứng lực của Hòa Phát sẽ được triển khai ngay sau khi được giao đất vào quý I/2018. Dự án có công suất 160.000 tấn/năm, bao gồm ba dòng sản phẩm là thanh thép dự ứng lực (PC bar), cáp thép dự ứng lực (PC Strand) và dây thép dự ứng lực (PC Wire), trong đó tập trung chính vào 2 dòng PC bar và PC Strand.
Các sản phẩm này được sử dụng trong những công trình xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn đòi hỏi kỹ thuật cao, khả năng chịu tải, độ an toàn cao như tháp, cầu cạn, cầu vượt biển, nhà cao tầng, cáp treo... 
Bà Vũ Thị Ánh Tuyết – Phó Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị phụ tùng Hòa Phát cho biết, Việt Nam đang nhập 100% các sản phẩm thép dự ứng lực từ Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản. Sản lượng nhập khẩu khoảng trên 70.000 tấn thép PC Bar và PC Strand mỗi năm để xây dựng cơ sở hạ tầng trong nước. Riêng 9 tháng đầu năm nay, con số này đã tăng lên 85.000 tấn, tương đương tăng 21% so với sản lượng nhập cả năm trước.
Thực tế trên cho thấy một phân khúc thị trường thép rất tiềm năng nhưng đang bị bỏ ngỏ, trong nước chưa có một nhà máy sản xuất nào. Nguyên nhân chính khiến chưa doanh nghiệp nào của Việt Nam sản xuất thép dự ứng lực là nguồn nguyên liệu thép các bon cao đang phải nhập khẩu hoàn toàn. Tuy nhiên, với Khu liên hợp gang thép tại Dung Quất, Hòa Phát chủ động hoàn toàn nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất thép dự ứng lực. 
Trước đó, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ngãi vào tháng 10/2017, Hòa Phát cũng đề xuất đầu tư thêm các dự án thép hạ nguồn ngay tại Khu kinh tế Dung Quất, gồm: Dự án sản xuất thép hợp kim mangan silic; Dự án thép cán nguội mạ mầu, mạ kẽm và Dự án sản xuất ống thép chất lượng cao.
Nguồn: Khổng Chiêm/ndh.vn