Đó là dự đoán của Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel) trong báo cáo mang tên Short Range Outlook (Triển vọng ngắn hạn) về thị trường thép năm 2021 và 2022.
Nền kinh tế Trung Quốc nhanh chóng phục hồi sau đợt đóng cửa do đại dịch Covid-19 (tháng 2/2020), với các hoạt động kinh tế, ngoại trừ bán lẻ, từ tháng 5/2020 đã hồi phục gần như hoàn toàn. Mặc dù dịch bệnh đến nay vẫn còn tiếp diễn, song các hoạt động kinh tế của nước này hiện không bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nữa, khác hẳn với những nền kinh tế khác trên thế giới.
Kinh tế Trung Quốc hồi phục mạnh mẽ là nhờ Chính phủ nước này tung ra các biện pháp kích thích kinh tế, từ những dự án về cơ sở hạ tầng mới, đến tăng tốc những dự án đang thực hiện, nới lỏng kiểm soát đối với lĩnh vực bất động sản, giảm thuế để thúc đẩy tiêu dùng của các hộ gia đình…
Và trên tất cả, nền kinh tế này đang được hưởng lợi bởi xuất khẩu mạnh giữa bối cảnh những nước khác vẫn đang bận tập trung đấu tranh chống đại dịch Covid-19.
Kết quả là, sau khi giảm 6,8% trong quý đầu tiên của năm 2020, nền kinh tế Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng 2,3% trong cả năm năm 2020 so với năm trước đó. GDP của nước này dự kiến sẽ tăng tốc lên tăng 7,5% hoặc cao hơn nữa trong năm 2021, và khoảng 5,5% trong năm 2022.
Lĩnh vực xây dựng của Trung Quốc bắt đầu hồi phục nhanh chóng từ rất sớm, từ tháng 4/2020, nhờ các chương trình đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Từ năm 2021, tăng trưởng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản có thể giảm do Chính phủ chỉ đạo giảm tốc độ tăng trưởng ở lĩnh vực này.
Đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng trong năm 2020 chỉ có mức tăng trưởng 0,9%. Tuy nhiên, do Chính phủ Trung Quốc đã khởi động một số dự án mới để hỗ trợ nền kinh tế nên tăng trưởng đầu tư cho cơ sở hạ tầng dự kiến sẽ tăng tốc vào năm 2021 và tiếp tục tác động đến nhu cầu thép trong năm 2022.
Trong lĩnh vực sản xuất, sản xuất ô tô của Trung Quốc sụt giảm nhiều nhất trong giai đoạn phong tỏa chống Covid-19, với mức giảm tới 45%, nhưng đã hồi phục mạnh mẽ kể từ tháng 5/2020. Tính chung cả năm 2020, sản xuất ô tô của nước này chỉ giảm 1,4%. Các lĩnh vực sản xuất khác có mức tăng trưởng khả quan do nhu cầu xuất khẩu mạnh.
Lĩnh vực xây dựng và sản xuất máy móc tăng trưởng mạnh là động lực chính đẩy tiêu thụ thép Trung Quốc năm 2020 tăng 9,1%. Năm 2021, dự kiến các biện pháp kích thích áp dụng từ năm 2020 sẽ tiếp tục duy trì để đảm bảo kinh tế Trung Quốc có mức tăng trưởng hợp lý.
Do đó, hầu hết các lĩnh vực sử dụng thép sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm nay, mặc dù mức tăng vừa phải, và nhu cầu thép của nước này năm 2021 dự báo sẽ tăng 3%, sau đó giảm 1% vào năm 2022, khi khi tác động của những chương trình chính sách kích thích kinh tế của năm 2020 giảm dần, và Chính phủ tập trung vào tăng trưởng bền vững hơn.
Do nhu cầu thép mạnh trong khi nguồn cung quặng sắt gặp một số trục trặc, giá thép tại Trung Quốc gần đây liên tiếp phi mã.
Phiên 11/5/2021, giá thép thanh vằn và thép cuộn cán nóng trên sàn Thượng Hải lập đỉnh cao kỷ lục chưa từng có khi có thời điểm tăng lần lượt 6,7% và 7,7% so với phiên liền trước. Kết thúc phiên, giá thép thanh vằn kỳ hạn tháng 10 vẫn tăng 4,6% so với phiên trước, lên 6.086 CNY (947,15 USD)/tấm. Thép cuộn cán nóng, dùng trong sản xuất, có lúc tăng lên 6.591 CNY/tấn, trước khi kết thúc phiên ở mức tăng 6,9% lên 6.540 CNY/tấn.
Tuy nhiên, phản ứng của Chính phủ Trung Quốc đối với chính sách của chính quyền mới của Mỹ và những nỗ lực ngày càng mạnh mẽ để giảm ô nhiễm môi trường sẽ là những yếu tố rủi ro lớn nhất đối với tương lai của thị trường thép Trung Quốc.
Bức tranh nhu cầu thép Trung Quốc và phần còn lại trên thế giới đang ngược màu nhau. Năm 2020, khi nhu cầu thép Trung Quốc tăng 9,1% thì nhu cầu ở các nền kinh tế còn lại giảm 10%, dẫn tới nhu cầu chung trên toàn cầu gần như không thay đổi.
Tuy nhiên, năm 2022, cục diện sẽ đảo ngược lại, với việc chính quyền Trung Quốc tập trung nhiều hơn cho tăng trưởng bền vững nên nhu cầu thép dự báo sẽ chỉ tăng 1%, trong khi nhu cầu ở các nền kinh tế phát triển sẽ tăng 4,2%.
Cũng do chủ trương ưu tiên cho môi trường, sản lượng thép Trung Quốc được dự báo sẽ đạt đỉnh vào năm 2025, khi ở mức 1,16 tỷ tấn, cũng là thời điểm lượng khí thải carbon từ lĩnh vực này đạt mức cao nhất (ngành thép chiếm 15% tổng lượng khí thải nhà kính ở Trung Quốc), theo Chủ tịch Viện nghiên cứu và quy hoạch ngành luyện kim Trung Quốc, Li Xinchuang.
Theo ông Li, từ sau 2025, sản lượng thép của Trung Quốc sẽ giảm dần. Đến năm 2030, dự báo lượng khí thải carbon từ lĩnh vực thép của Trung Quốc sẽ giảm 30% so với mức đỉnh cao.
Năm 2020, Trung Quốc sản xuất 1,065 tỷ tấn thép thô, chiếm 57% tổng sản lượng toàn cầu.
Trong quý 1/2021, Trung Quốc đã sản xuất 271,04 triệu tấn thép thô, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê nước này.
Riêng trong tháng 3/2021, sản lượng thép thô của Trung Quốc tăng 19% so với cùng tháng năm trước, đạt 94,02 triệu tấn, là mức cao nhất kể từ tháng 8/2020.
Các nhà máy thép Trung Quốc đang nhu cầu thép tăng vọt và các hoạt động xây dựng mạnh mẽ theo mùa vụ. Có ít nhất 10 nhà sản xuất thép đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ của quý 1/2021 với lợi nhuận ròng tăng đáng kể. 

Nguồn: Nhịp sống kinh tế (theo Worldsteel, Reuters)