Hưng Yên là một trong điểm đến hấp dẫn của doanh nghiệp dệt may, hiện đã có nhiều doanh nghiệp lớn với quy mô hàng nghìn lao động đang hoạt động như: Tổng công ty may Hưng Yên - Công ty cổ phần, Công ty CP May và dịch vụ Hưng Long, Công ty CP Tiên Hưng, Công ty CP May 2 Hưng Yên... Trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia sản xuất, gia công các sản phẩm may mặc. Các cơ sở này đã có nhiều đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh (khoảng 107,7 nghìn tỷ đồng trong năm 2017); đồng thời, giải quyết việc làm với thu nhập ổn định cho nhiều lao động tại khu vực nông thôn.
Sự phát triển nhanh chóng của ngành may công nghiệp trên địa bàn tỉnh có đóng góp không nhỏ từ hoạt động khuyến công. Theo đại diện Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Hưng Yên (trung tâm), sự hỗ trợ này khá toàn diện từ đầu tư ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, đào tạo nhân lực, cho đến phổ cập thông tin thị trường.
Cụ thể, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, năm 2017 trung tâm đã hỗ trợ 150 triệu đồng cho Công ty TNHH Trường Phúc Hưng Yên ứng dụng máy nhồi lông vũ tự động; hỗ trợ 200 triệu đồng cho Công ty TNHH Thiên Sơn Hưng Yên đầu tư máy đính đỉa quần tự động 2 kim cho quần jean; hỗ trợ 200 triệu đồng cho Công ty CP may Thống Nhất ứng dụng máy may lập trình khổ may vào sản xuất. Theo đánh giá từ các đối tượng thụ hưởng, việc hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị tiến tiến đã giúp doanh nghiệp, cơ sở nâng cao chất lượng sản phẩm, tự động hóa sản xuất đem lại hiệu quả cao, giảm chi phí nhân công trong sản xuất.
Bên cạnh đó, trung tâm tổ chức 5 lớp đào tạo nghề may công nghiệp cho 175 lao động tại địa phương nhằm bổ sung lực lượng lao động có tay nghề cho các cơ sở may công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Với sự phối hợp từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam, trung tâm cũng đã tổ chức Hội thảo “Đổi mới ngành may mặc Việt Nam và cơ hội mở rộng thị trường tại Pháp và châu Âu”. Hội thảo đã giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin về sản phẩm, công nghệ, thị trường Pháp và mở ra cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh giữa các doanh nghiệp của Việt Nam và Pháp cũng như các nước châu Âu.
Tuy nhiên, theo phản ánh của một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, tình trạng thiếu hụt và cạnh tranh lao động ngày một gay gắt, bao gồm cả lao động phổ thông và lao động chất lượng cao. Nguyên do, trên địa bàn tỉnh số lượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất may công nghiệp ngày một gia tăng, khiến lao động cung không đủ cầu. Đặc biệt, sự dịch chuyển lao động từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác khá phổ biến cũng ảnh hướng đáng kể tới kế hoạch sản xuất.
Việc đào tạo nhân lực cho ngành may của tỉnh cũng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Sinh viên sau khi ra trường đều phải đào tạo lại mới sử dụng được gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là các đơn vị đang ứng dụng công nghệ tự động hóa trong sản xuất.
Để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực ngành may, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đề xuất: Sở Công Thương huy động thêm nguồn lực kết hợp với kinh phí khuyến công tăng cường công tác đào tạo nghề may công nghiệp cho lao động trên địa bàn. Các trường dạy nghề liên kết với doanh nghiệp nhằm xây dựng giáo trình đào tạo phù hợp với nhu cầu nhân lực chất lượng cao của doanh nghiệp.
Nguồn:Hải Linh/Báo Công Thương điện tử