Theo ông Nguyễn Văn Thụ- Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI), doanh thu về sản phẩm cơ khí tăng đều trên 20% trong khoảng 10 năm trở lại đây. Nhiều sản phẩm cơ khí như thiết bị đồng bộ, đóng tàu, lắp ráp ô tô, máy nông nghiệp, phụ tùng cơ khí đã có thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế. Những sản phẩm cơ khí công nghệ cao cũng đã xuất hiện như: Thiết kế chế tạo thủy công, thiết kế chế tạo thiết bị nhà máy xi măng, chế tạo giàn khoan dầu khí tự nâng 90m và bước đầu thiết kế chế tạo thiết bị nhà máy nhiệt điện chạy than. “Tuy nhiên, các sản phẩm cơ khí Việt Nam giá trị gia tăng còn thấp, chưa tạo được đầu ra cho sản phẩm”, ông Nguyễn Văn Thụ nhận định.

Tại Hội nghị ông Nguyễn Văn Thụ cho rằng, các doanh nghiệp trong ngành cần tăng cường sự liên kết hơn nữa, liên kết tiêu thụ sản phẩm của nhau chính là hướng đi giúp các doanh nghiệp trong ngành cùng lớn mạnh, mở rộng được thị trường. Đơn cử như Công ty cơ khí Hà Nội, đã có sự liên kết với nhiều đơn vị trong ngành cơ khí để cùng sản xuất phụ tùng ô tô, máy móc, các thiết bị thủy công...

 

Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí cho hay, Hiệp hội đã làm việc với các doanh nghiệp trong và ngoài nước về tăng cường hợp tác thúc đẩy ngành cơ khí phát triển.
Trong nửa năm qua, thường trực Hiệp hội đã có nhiều hoạt động, giới thiệu đơn hàng, liên kết các đơn vị sản xuất trong Hiệp hội. Đơn cử như giới thiệu các mặt hàng chế tạo cột điện VIBA tại Myanmar cho các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội. Hay điển hình là tổ chức liên kết giữa các công ty trong Hiệp hội như Công ty Cơ khí Hà Nội làm sản phẩm đúc cho Công ty chế tạo máy nông nghiệp TAMACO, hợp tác chế tạo chi tiết ô tô cho TMT và Ô tô Thaco, Công ty Z179, Học viện Kỹ thuật quân sự, Công ty FUMEE, sản xuất thử nghiệm cầu xe ô tô phục vụ dự án nội địa hóa ngành ô tô; Giới thiệu Công ty Bơm Hải Dương tham gia các dự án nhà máy nhiệt điện.
Theo Chủ tịch VAMI, thời gian tới, Hiệp hội sẽ đẩy mạnh hơn nữa gắn kết các doanh nghiệp trong ngành với nhau, giới thiệu các sản phẩm và doanh nghiệp có thế mạnh ra nước ngoài để tạo thị trường rộng hơn, đa dạng hơn.
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp cũng cũng cho rằng, trong bối cảnh Chính phủ, các bộ ngành chưa đưa ra được chính sách phát triển ngành cơ khí cho giai đoạn tới, thì các doanh nghiệp phải tự thân, tìm kiếm đối tác và nâng cao khả năng cạnh tranh; trong đó, kết nối chặt hơn giữa chính các doanh nghiệp cùng ngành, lĩnh vực là điều mà Hiệp hội và các doanh nghiệp có thể xúc tiến ngay...
Về phía các DN cũng phải chủ động cơ cấu lại sản xuất, tìm hướng đi thích hợp, tích cực đổi mới, chủ động tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, liên kết quá trình sản xuất của các tập đoàn lớn trên thế giới để mở rộng thị trường xuất khẩu và tranh thủ tiếp thu công nghệ mới.
Nguồn: Lan Anh- Cấn Dũng /Báo Công Thương điện tử