Chỉ số PMI tháng 11/2018 của Việt Nam dẫn đầu các nước Đông Nam Á, điều này cho thấy nền sản xuất của Việt Nam phát triển lạc quan. Ngoài Việt Nam, những nước có chỉ số PMI tăng trong tháng 11 là Philippines, Myanmar và Indonesia. Ngược lại, ngành sản xuất của Thái Lan, Malaysia, và Singapore đều chứng kiến sự sụt giảm chỉ số PMI.
Theo IHS Markit, số lượng đơn đặt hàng mới của ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 11/2018 tăng mạnh và kéo theo sự lạc quan của các doanh nghiệp (DN), dù năng lực sản xuất đang chịu những áp lực vì sự tăng trưởng lượng công việc tồn đọng. Để đáp ứng khối lượng công việc lớn hơn, các công ty sản xuất nhanh chóng tuyển thêm nhân viên, giúp tốc độ tạo việc làm mới đạt mức cao. Bên cạnh đó, số lượng đơn hàng mới tăng nhanh cũng khiến nhiều DN tăng lượng hàng tồn kho đối với cả hàng hóa đầu vào và hàng thành phẩm.
IHS Markit cũng chỉ ra một điểm đáng lưu ý với ngành sản xuất Việt Nam khi giá nguyên vật liệu làm chi phí đầu vào tiếp tục tăng trong tháng 11/2018 với mức cao nhất trong 3 tháng trở lại đây. Gánh nặng chi phí buộc các nhà sản xuất phải tăng giá bán hàng.
Chỉ số PMI là một trong những thước đo quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế sản xuất mỗi quốc gia và được đánh giá trên 5 tiêu chí gồm số lượng đơn đặt hàng mới, sản lượng, việc làm, thời gian giao hàng của nhà cung cấp và tồn kho các mặt hàng mua. Kết quả chỉ số PMI dưới 50.0 cho thấy nền kinh tế sản xuất nhìn chung giảm sút; trên 50.0 là phát triển. Kết quả chỉ số 50.0 là không có sự thay đổi. Mức chênh lệch so với 50.0 càng lớn thì tốc độ thay đổi mà chỉ số báo hiệu sẽ càng lớn. Chỉ số PMI ngành sản xuất tại Việt Nam được xây dựng trên dữ liệu thu thập hàng tháng từ các nhà quản trị mua hàng tại khoảng 400 DN sản xuất Việt Nam.
Nguồn: Thanh Thanh/Báo Công Thương điện tử