Nhu cầu lớn
Nhằm hỗ trợ các làng nghề phát triển, nhất là tạo thêm mặt bằng sản xuất, Nam Định rất chú trọng quy hoạch và xây dựng các CCN. Trên địa bàn hiện có 20 CCN được thành lập và đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy bình quân rất cao, thu hút 471 dự án, tạo việc làm cho trên 18.300 lao động.
An Xá là CCN đi đầu về quy mô cũng như tỷ lệ lấp đầy. CCN này đã hoàn thành giai đoạn 1 với tổng diện tích quy hoạch 52 ha, hiện đang triển khai giai đoạn 2 với tổng diện tích 42 ha. Ngoài An Xá, tỉnh còn rất nhiều CCN đạt tỷ lệ lấp đầy cao như: CCN Xuân Tiến (huyện Xuân Trường); Cổ Lễ, Cát Thành (huyện Trực Ninh); Vân Chàng (huyện Nam Trực); La Xuyên, Tống Xá (huyện Ý Yên)… Một số CCN như Đồng Côi, Trực Hùng cũng nhận được hưởng ứng, di dời của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Tuy nhiên, nhìn chung các CCN này chưa đáp ứng được nhu cầu mặt bằng sản xuất của các cơ sở cũng như làng nghề. Trong 20 CCN đang hoạt động chỉ có 3 CCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung, gồm: CCN An Xá, Tống Xá, Xuân Tiến. Các CCN còn bộc lộ nhiều bất cập về quy hoạch, quản lý nhà nước... làm ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Đặc biệt, việc phân bố CCN theo quy hoạch đã được phê duyệt chưa sát với yêu cầu thực tế. Nhiều địa phương cần xây dựng CCN để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển sản xuất nhưng không có trong danh mục, trong khi một số CCN nằm trong danh mục quy hoạch lại khó thu hút đầu tư.
Tạo thêm mặt bằng
Nhằm tạo điều kiện cho các CCN trên địa bàn phát triển, đồng thời đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất cho các làng nghề, cơ sở, doanh nghiệp công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, UBND tỉnh Nam Định đã điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển CCN đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025.
Theo đó đến năm 2020, ngoài 20 CCN đã đi vào hoạt động, tỉnh sẽ xây dựng mới 8 CCN, bổ sung 13 CCN vào quy hoạch. Phân kỳ đầu tư xây dựng các CCN trong 4 năm (2017-2020) theo các mức ưu tiên 1 và 2. Nhóm CCN trong diện ưu tiên 1 là các cụm có khả năng thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khả thi nhất từ nay đến năm 2020; nhóm ưu tiên 2 là các cụm còn lại trong quy hoạch. Như vậy, đến năm 2020 tỉnh sẽ có 16 CCN được ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng. Giai đoạn 2021-2025 sẽ xây dựng mới 6 CCN, bổ sung 9 CCN và mở rộng 23 CCN.
Quy hoạch phát triển các CCN đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025 là căn cứ để UBND tỉnh xem xét quyết định thành lập các CCN; quảng bá, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN; di dời doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ ra khỏi các làng nghề, khu dân cư...
Để quy hoạch được thực hiện hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra, tỉnh đã xây dựng giải pháp toàn diện về quy hoạch và quản lý quy hoạch; phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; môi trường đầu tư; vốn đầu tư; nguồn nhân lực; quản lý nhà nước và bảo vệ môi trường...
Sở Công Thương tỉnh Nam Định đang chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố công bố quy hoạch và triển khai thực hiện nội dung; thẩm định hồ sơ thành lập, mở rộng CCN trình UBND tỉnh phê duyệt; tham gia ý kiến về thiết kế dự án đầu tư xây dựng công trình.

 

Tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN trên địa bàn tỉnh Nam Định đến năm 2025 khoảng 5.765 tỷ đồng, được huy động từ các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng CCN, doanh nghiệp thứ cấp, ngân sách nhà nước và nguồn vốn hợp pháp khác.

 

Nguồn: Hải Linh/Báo Công Thương điện tử