Sáng ngày 11/9, tại TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ 2 (SMEDEC 2), Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng - Bộ Khoa học - Công nghê và Viện Nghiên cứu công nghệ công nghiệp Đài Loan (ITRI) phối hợp tổ chức hội thảo “Công nghệ xanh Việt Nam - Đài Loan” nhằm mục đích chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy, áp dụng hiệu quả năng lượng tái tạo và cung cấp các giải pháp công nghệ xanh cho các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam.

Đây là một trong những chuỗi hoạt động được ITRI hỗ trợ cho Việt Nam thông qua Tổng cục Đo lường chất lượng tổ chức các hội thảo, các khoá đào tạo, thực hiện các dự án năng lượng tái tạo trong những giai đoạn tiếp theo.
Tham dự hội thảo có các cơ sở ban ngành, hiệp hội doanh nghiệp, các DN vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghệ xanh tại TP. Hồ Chí Minh. Đây còn là hoạt động nhằm mục đích cập nhật những thông tin về chính sách trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam và Đài Loan. Chia sẻ kinh nghiệm về những giải pháp của các DN Đài Loan trong lĩnh vực năng lượng xanh và tạo diễn đàn trao đổi giữa các bên liên quan về những lợi ích, các giải pháp và cơ hội đầu tư, hợp tác phát triển năng lượng tái tạo giữa Đài Loan và Việt Nam.
Tại hội thảo, tiến sĩ Lê Anh Kiên, Phó Viện trưởng Viện Nhiệt đới môi trường (ITE) cho biết, tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo - năng lượng gió của Việt Nam là rất lớn. Năng lượng tái tạo thuỷ điện tiềm năng là 7.000 MW, thực trạng khai thác hiện nay chỉ khoảng 2.373 MW; nhiên liệu sinh khối có tiềm năng khai thác là 2.000 MW, hiện mức độ khai thác là khoảng 186,7 MW; năng lượng mặt trời, tiềm năng là 4-5WH/m2, hiện khai thác được 4 MW; năng lượng gió tiềm năng là 8.000 MW, hiện tại khai thác được 159 MW; năng lượng chất thải rắn tổng hợp, tiềm năng là 320 MW, hiện khai thác được 2,4 MW.
Ngoài ra chúng ta còn có năng lượng trong lòng đất hay còn gọi là địa nhiệt, năng lượng đại dương chưa được khai thác. Mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam bao gồm cả năng lượng thuỷ điện đến năm 2020 là 101 tỷ kWh, chiếm 38% trong tổng phát triển nguồn năng lượng quốc gia, đến năm 2030 là 186 tỷ kWh, chiếm 32%, năm 2050 sẽ là 425 tỷ kWh, chiếm 43%.
Ông Tom Wu, kỹ sư trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu kỹ thuật công nghiệp Đài Loan, cho biết, tháng 9/2017 nhằm mục đích phát huy năng lượng xanh một cách có hệ thống, Chính phủ Đài Loan đã ban hành bộ luật “Phát triển nguồn năng lượng tái tạo”. Với mục tiêu phát triển năng lượng mặt trời của Đài Loan đến năm 2025 công suất lắp đặt 20GW, phát 25.000 GWh điện năng mỗi năm. Theo đó, giá bán điện tại Đài Loan từ năng lượng mặt trời cũng đã giảm đáng kể, năm 2010 giá bán điện từ 13 NDT$/kWh xuống còn khoảng 4,5 NDT$/kWh vào năm 2017.
Ông Wu cũng chia sẻ, chính sách phát triển năng lượng mới cho Đài Loan không hạt nhân vào năm 2025 đã được bắt đầu vào năm 2016. Để tăng cường các thành tựu về sử dụng năng lượng xanh, những phương pháp mang tính hệ thống và cơ cấu hơn sẽ được áp dụng, không chỉ để mở rộng các khía cạnh thúc đẩy mà còn mở rộng các biện pháp liên ngành. Thông qua các chương trình thúc đẩy có hệ thống và các dự án trình diễn, ITRI sẽ thúc đẩy các lĩnh vực phát triển mới trong công nghệ xanh và công nghiệp tại Đài Loan.
Để phát triển ngành năng lượng tái tạo, ông Wu chia sẻ, Việt Nam cần có lộ trình và các thành phần tham gia thể hiện một cách tích cực, bên cạnh những tiềm năng rất lớn của mình.
Nguồn: Ngọc Hân/Báo Công Thương điện tử