Khởi đầu "hanh thông"
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, tính riêng trong tháng 3, so với cùng kỳ năm 2018, sản lượng sắt thép thô ước đạt 1.684,3 nghìn tấn, tăng tới 56,4%; thép cán ước đạt 506,7 nghìn tấn, tăng 13,5%; thép thanh, thép góc ước đạt 522,9 nghìn tấn, tăng 0,6%. Tính chung 3 tháng đầu năm, sản lượng sản xuất sắt thép thô, thép cán tăng lần lượt là 64,8% và 6,1% so với cùng kỳ năm trước; riêng thép thanh, thép góc giảm nhẹ 0,5%.
Đứng từ góc độ DN, "bức tranh" sản xuất, tiêu thụ của một trong những "đại gia" trong ngành thép Việt là Tập đoàn Hòa Phát cũng cho thấy sự khởi sắc rõ rệt những tháng đầu năm. Lũy kế hết quý I, Tập đoàn Hòa Phát đưa ra thị trường gần 700.000 tấn thép xây dựng, tăng 28,68% so với quý I/2018. Với sản lượng ngày càng tăng, thép Hòa Phát củng cố vị thế số 1 trên thị trường với trên 26%. Đáng chú ý, sản lượng tiêu thụ khu vực phía Nam đã tăng gấp 2,2 lần so với quý I năm trước, trong khi khu vực miền Trung cũng tăng trưởng tới 87%.
Ông Đinh Quang Hiếu – Trưởng phòng kinh doanh Thép Hòa Phát đánh giá: Đây là dấu hiệu cho thấy thép Hòa Phát đã nhanh chóng chiếm lĩnh thêm thị phần tiêu thụ ngay khi có sản lượng tăng thêm từ nhà máy cán thép mới tại Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi). Trong mảng XK, thép xây dựng Hòa Phát cũng ghi nhận tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm 2018. Trong quý I, tổng cộng đã có trên 77.000 tấn thép Hòa Phát được XK, trong đó 59% sản lượng xuất sang Campuchia. Ngoài ra, sản phẩm chủ lực của Tập đoàn Hòa Phát tiếp tục có mặt tại nhiều thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Australia…
Vẫn còn khó khăn
Bộ Công Thương dự báo, ngành thép năm 2019 dự kiến có sự tăng trưởng tốt, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong đó, dự án thép Formosa Hà Tĩnh năm 2019 sẽ đi vào vận hành 2 lò cao đạt công suất 7,5 triệu tấn/năm (năm 2018 mới huy động khoảng 4,5 triệu tấn). Bên cạnh đó, dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất dự kiến đi vào sản xuất (lò cao số 1 từ tháng 6/2019 và lò cao số 2 từ tháng 9/2019 và lò cao số 3 từ tháng 12/2019), nếu huy động hết công suất sẽ sản xuất khoảng 2 triệu tấn thép. Trên cơ sở phân tích như trên, Bộ Công Thương dự kiến mức tăng trưởng sản lượng thép các loại năm 2019 khoảng 10% so với năm 2018.
Với Tập đoàn Hòa Phát, năm nay Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 70.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 6.700 tỷ đồng. Doanh thu này tăng 20% so với năm 2018, song lợi nhuận lại giảm. Nói về điều này, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cho biết: Doanh thu năm 2019 dự kiến tăng hơn 20% so với năm 2018 bởi đưa giai đoạn I – dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất, dây chuyền tôn mạ màu vào hoạt động và tăng dần quy mô từ các sản phẩm nhóm ngành nông nghiệp.
Nói sâu hơn về tiến độ dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất, theo ông Long, Tập đoàn đã vận hành ổn định dây chuyền cán thép xây dựng đầu tiên công suất 600.000 tấn từ quý IV/2018. Lò cao đầu tiên dự kiến sẽ cho ra mẻ gang đầu tiên vào 18/6/2019 và cứ sau mỗi 4 tháng sẽ hoàn thành lò cao tiếp theo. Các hạng mục xây dựng cơ bản, lắp đặt thiết bị của cả hai giai đoạn đang được kiểm soát theo tiến độ đề ra, phấn đấu hoàn thành đồng bộ cả hai giai đoạn vào quý II/2020. "Đến thời điểm này, Hòa Phát đã tuyển dụng 5.500 nhân sự cho dự án, đào tạo vận hành thực tế tại Hải Dương nhằm phục vụ quá trình xây dựng và vận hành Khu liên hợp tại Quảng Ngãi", ông Long nói.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, theo ông Long, 2019 cũng là năm còn nhiều thách thức với ngành thép khi giá nguyên nhiên liệu xu hướng tăng; các dự án mới đưa vào vận hành chưa chạy đủ công suất; chi phí tài chính tăng do chính sách tín dụng thắt chặt.,.... Trong đó, nguyên nhân khách quan lớn nhất của việc kế hoạch lợi nhuận của Tập đoàn Hòa Phát giảm là do giá quặng sắt tăng cao từ 64 – 65 USD/tấn lên 85 – 90 USD/tấn hiện nay.
Ngoài vấn đề về sản xuất, nhiều chuyên gia đánh giá, một trong những khó khăn nổi cộm mà ngành thép đã và đang phải đối mặt là các vụ kiện phòng vệ thương mại. Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương): Đến nay, mặt hàng thép đã phải chịu tới 47 cuộc điều tra chống phá giá và trợ cấp, chiếm 1/3 trong tổng số các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại. Trong đó, năm 2018 có 13 vụ. Từ đầu năm 2019 đến nay có 2 vụ điều tra mới đối với Việt Nam là Ấn Độ điều tra đối với mặt hàng thép cán phẳng mạ kẽm và Indonesia điều tra đối với mặt hàng thép cán phẳng hợp kim.
Bà Phạm Châu Giang-Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho hay: Liên tục bị vướng phải các vụ kiện phòng vệ thương mại là bởi thép là một mặt hàng sản xuất cơ bản của rất nhiều nước và được coi là vấn đề an ninh quốc gia. Bên cạnh đó là tình trạng dư cung trên toàn cầu cũng như kinh tế thế giới đang có xu hướng chững lại dẫn đến nhiều DN thép của các quốc gia gặp thiệt hại… Ngoài ra, vấn đề còn bắt nguồn từ xu hướng bảo hộ mậu dịch đang quay trở lại…
Để vượt qua khó khăn, đảm bảo tốc độ tăng trưởng, ông Nguyễn Văn Sưa-Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam đưa ra khuyến cáo, các DN thép Việt Nam phải nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như năng lực cạnh tranh để vươn tới thị trường nước ngoài, đồng thời nâng cao nhận thức về thương mại quốc tế, tránh rủi ro có thể xảy ra. "Tôi cho rằng, các DN XK cũng cần nghiên cứu, bố trí thị trường XK hợp lý, tránh tập trung chủ yếu vào một vài thị trường gây ra tình trạng XK tăng đột biến, tạo cớ cho các nước NK tiến hành khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại", ông Sưa nói.
Nguồn: Baohaiquan.vn