Theo lãnh đạo UBND TP. Nha Trang, hệ thống chiếu sáng công cộng tại thành phố hiện nay sử dụng nhiều chủng loại đèn khác nhau, trong đó chủ yếu là các đèn thủy ngân cao áp, đèn sodium cao áp và đèn công suất nhỏ. Các loại đèn này vốn tiêu thụ nhiều điện năng, hiệu suất chiếu sáng chưa cao, tuổi thọ trung bình tối đa đạt 20.000 giờ nên hiệu quả kinh tế thấp.

Qua thời gian vận hành, hệ thống không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật theo tiêu chuẩn quy định do các nguyên nhân: các chóa đèn cao áp hiện tại có cấp bảo vệ thấp nên qua thời gian sử dụng, nhất là trong điều kiện khí hậu biển nóng ẩm làm chất lượng chiếu sáng bị giảm sút nghiêm trọng; các chóa đèn lắp bóng cao áp có quang thông và hiệu suất phát sáng không cao, tiêu tốn điện năng, làm tăng lượng khí thải nhà kính ra môi trường.

Đèn chiếu sáng trên đường Thống Nhất cũng nằm trong dự án thay thế bằng công nghệ led

Hệ thống đèn chiếu sáng công cộng hiện nay đã được đầu tư lắp đặt từ nhiều năm trước nên hầu hết đã xuống cấp, một số bóng đã gần như hết khấu hao, thường xuyên hư hỏng, phải duy tu, sửa chữa.

Từ thực tế trên, UBND thành phố đề xuất dự án đầu tư thay thế hệ thống đèn cao áp chiếu sáng công cộng hiện tại trên địa bàn thành phố bằng công nghệ đèn led tiết kiệm điện với 3 phương án. Đèn led có ưu thế tiêu thụ ít điện năng, tuổi thọ lâu bền, hoạt động ổn định, hiệu suất phát sáng cao, khả năng điều chỉnh linh hoạt, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, thân thiện môi trường hơn…

Trên cơ sở đề xuất của UBND TP. Nha Trang, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng như ý kiến của các sở, ngành liên quan, Thường trực UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương cho phép UBND TP. Nha Trang thực hiện dự án đầu tư hệ thống đèn chiếu sáng công cộng trên địa bàn thành phố bằng công nghệ led theo phương án 3 như đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Đồng thời, yêu cầu UBND TP. Nha Trang lựa chọn kỹ thuật, thiết bị và công nghệ đèn led tiên tiến, hiện đại để bảo đảm thời gian sử dụng thiết bị lâu dài, tiết kiệm năng lượng; sử dụng lại số bóng đèn cao áp thay thế hiệu quả, tiết kiệm.

Về phương án xử lý đèn cao áp cũ, trong báo cáo đề xuất đầu tư dự án, UBND thành phố giao cho Ban Quản lý Dịch vụ công ích thành phố phối hợp với Phòng Quản lý đô thị và Phòng Tài chính thành phố phân loại, xác định số lượng đèn đã hết khấu hao, chưa hết khấu hao. Đối với số lượng đèn chưa hết khấu hao, tiếp tục phân loại chất lượng để dùng làm nguồn dự phòng thay thế cho các khu vực khác chưa có điều kiện đầu tư hệ thống đèn led như: các khu dân cư ngõ hẻm và các khu công nghiệp hoặc lắp đặt cho các khu vực chưa có hệ thống chiếu sáng công cộng.

Theo ông Lê Tiến Vĩnh - Giám đốc Ban Quản lý Dịch vụ công ích thành phố, trên cơ sở chủ trương của tỉnh và chỉ đạo của UBND thành phố, ban đang tham mưu cho UBND thành phố ban hành quyết định cho phép lập dự án đầu tư.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có tổng số 19.528 bộ đèn chiếu sáng các loại kể cả đèn trang trí, đèn neon và đèn có công suất 10W. Trong đó, nhiều nhất là đèn công suất S70W (7.717 bộ), tiếp theo là đèn công suất S250W (5.596 bộ), công suất S150W (1.961 bộ), công suất C125W (1.131 bộ), công suất C250W (1.046 bộ)…

Nguồn: Báo công thương điện tử