Trong buổi gặp gỡ với báo chí mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu (NK) sản phẩm thép và nguyên liệu sản xuất thép. Điều này gây ra nhập siêu, mất cân đối nghiêm trọng. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, do vậy, sẽ là bất hợp lý nếu không tính tới phát triển thép.

Năm 2016, ngành thép tăng trưởng cả sản xuất lẫn tiêu thụ, tuy nhiên sản lượng NK mặt hàng này vẫn ở mức cao, tiếp tục tình trạng “nhập siêu” gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường và nền kinh tế trong nước. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 12/2016, cả nước đã chi hơn 7,6 tỷ USD NK 17,65 triệu tấn sắt, thép các loại. Trong đó, phôi thép chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ, khoảng hơn 1 triệu tấn, đạt 320 triệu USD. Tổng kim ngạch NK các nhóm mặt hàng sắt, thép đã vượt 10,4 tỷ USD. Với con số này, sắt, thép là nhóm NK lớn thứ 3 trong cơ cấu hàng hóa NK của Việt Nam. Trong khi ở chiều ngược lại, tính đến ngày 15/12/2016, Việt Nam xuất khẩu (XK) 3,2 triệu tấn thép, trị giá 1,8 tỷ USD. Nhóm sản phẩm từ sắt, thép XK được 1,88 tỷ USD. Tổng cộng, kim ngạch XK sắt, thép đạt khoảng 3,7 tỷ USD.

Như vậy, năm 2016, ngành thép nhập siêu 6,7 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc vẫn là nước XK thép chính sang Việt Nam với khối lượng lên gần 10 triệu tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Nhật Bản với 2,4 triệu tấn, tăng 7%; Hàn Quốc đạt 1,69 triệu tấn, tăng 6,5%.

Số liệu tổng kết từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng phản ánh tình trạng tương tự. Theo đó, năm 2016, tổng các loại sản phẩm thép sản xuất đạt 17,5 triệu tấn, tăng 16,8% so với năm 2015; tiêu thụ các sản phẩm thép đạt hơn 15,3 triệu tấn, tăng 23,7% so với năm 2015. Dù gặp nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại của các nước, nhưng năm 2016, XK thép cả nước vẫn có sự cải thiện, tăng 18,1%, đạt giá trị 2,4 tỷ USD. Cùng với đó là mức NK cũng tăng cao với tổng kim ngạch NK/XK của ngành thép năm 2016 là 9,1/2,4 tỷ USD.

Lý giải điều này, ông Hồ Nghĩa Dũng - Chủ tịch VSA - cho biết, ngành thép Việt Nam phát triển chưa đồng bộ giữa các khâu, đặc biệt là thép cuộn cán nóng (HRC) và các loại thép hợp kim chưa sản xuất trong nước nên hàng năm vẫn phải NK một số lượng rất lớn nguyên liệu và bán thành phẩm phục vụ sản xuất.

Tuy nhiên, đáng chú ý là hiện tượng lách luật để NK thép ở một số doanh nghiệp. Đây cũng là một trong những tác nhân khiến nhập siêu ngày càng tăng. Mới đây, 18 doanh nghiệp ngành thép đã đồng loạt phản ánh về việc thép cuộn lách Thuế tự vệ ồ ạt về Việt Nam. Thống kê cho thấy, trước khi Bộ Công Thương áp thuế tự vệ, thép dây cuộn được NK kê khai vào mã 7227.90.00 để hưởng thuế 0%. Sau khi áp thuế tự vệ, lượng NK thép cuộn mã này giảm mạnh do bị áp thuế tự vệ 15,4%. Thay vào đó, xuất hiện tình trạng kê khai NK tăng đột biến ở mã 7213.91.90 với tổng lượng NK 10 tháng tăng gấp 4 lần lượng NK năm 2015.

Tình trạng trên đã khiến tiêu tốn lượng lớn ngoại tệ cho NK, gây áp lực lên điều hành tỷ giá VND/USD, dự trữ ngoại hối và xa hơn nữa là làm cho nền kinh tế phụ thuộc ngày càng lớn vào hàng ngoại nhập, trong khi hàng sản xuất trong nước dần bị mất thị trường ngay trên sân nhà.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh:

Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi từ tài nguyên tới giao thông, hạ tầng, tiếp cận công nghệ, đảm bảo môi trường, nguồn lực về nhân lực để phát triển ngành thép.

 Nguồn: Thu Hà/Báo Công Thương điện tử