“Cửa” cho nhập khẩu không dễ dàng
Trên đây là nhận định của một số chuyên gia kinh tế khi Nghị định 116/2017/NĐ-CP của Chính phủ Quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô ra đời và có hiệu lực ngay khi ban hành vào giữa tháng 10 vừa qua.
Nghị định 116 được không chỉ các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước mong chờ mà cả các doanh nghiệp kinh doanh thương mại cũng khá “hồi hộp” đón đợi. Lâu nay, công nghiệp sản xuất ô tô dù có nhiều chính sách ưu đãi nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu phát triển như mong đợi. Hoạt động kinh doanh ô tô cũng có không ít những “lùm xùm” về “né” thuế, mua đứt bán đoạn bỏ rơi khách hàng khi cần phải hỗ trợ triệu hồi xe hay các dịch vụ hậu mãi khác. Nhìn tổng thể sự phát triển của thị trường ô tô và ngành công nghiệp ô tô thời gian qua, có thể nhận thấy, sự “ăn xổi” xuất hiện ở cả doanh nghiệp sản xuất và thương mại. Mặc dù đã có sự đầu tư cho sản xuất, lắp ráp nhưng hầu hết các liên doanh ô tô tại Việt Nam cũng mới chỉ dừng ở những công đoạn đơn giản; tỷ lệ nội địa hóa thấp. Thậm chí, trước khi Nghị định 116 ra đời, nhiều doanh nghiệp đã để ngỏ quan điểm sẽ đẩy mạnh nhập khẩu, chuyển hướng sang thương mại thay vì đầu tư, phát triển sản xuất tại Việt Nam khi thị trường mở cửa vào năm 2018.
Để đảm bảo hài hòa lợi ích cho các doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thu hút FDI, trong thời gian soạn thảo nghị định, các cơ quan, ban ngành đã tổ chức các buổi tham vấn, lắng nghe ý kiến từ phía các doanh nghiệp sản xuất, đại diện doanh nghiệp nhập khẩu và Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) để có thể đưa ra chính sách giúp phát triển công nghiệp ô tô trong nước với tiêu chí tất cả vì người tiêu dùng.
Tuy nhiên, ngay sau khi ra đời, Nghị định 116 đã vấp phải một số ý kiến lo ngại của một số doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô và thậm chí VAMA trong vòng chưa đầy một tháng đã hai lần gửi văn bản kiến nghị tới Chính phủ và các Bộ chức năng xem xét một số điều khoản quy định trong nghị định. Theo đó, các kiến nghị được tập trung vào những vấn đề như: Yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải cung cấp giấy chứng nhận chất lượng, kiểu loại của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài; Yêu cầu thử nghiệm đối với từng lô xe nhập khẩu; Yêu cầu về đường thử đối với các nhà sản xuất lắp ráp ô tô trong nước… VAMA cho rằng, những yêu cầu này sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp thuộc hiệp hội, đồng thời không doanh nghiệp nào có thể đáp ứng được.
Ủng hộ doanh nghiệp muốn phát triển sản xuất
Trước các đề xuất này, có ý kiến cho rằng, quan điểm của VAMA đưa ra là chưa đủ thuyết phục bởi quy định trong Nghị định 116 vẫn có đủ “độ mở” cho các doanh nghiệp thực tâm muốn phát triển sản xuất, xây dựng nền công nghiệp ô tô của Việt Nam.
Theo ông Bùi Kim Kha- Phó Tổng giám đốc Thaco, Phó Chủ tịch VAMA, tất cả các xe nhập khẩu về Việt Nam phải đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật đang áp dụng tại Việt Nam, do đó doanh nghiệp nhập khẩu trước khi thực hiện nhập khẩu một kiểu loại ô tô phải kiểm tra, đối chiếu với các quy định kỹ thuật hiện hành. Như vậy, không thể xảy ra trường hợp xe nhập về có sự khác biệt về vị trí ngồi lái xe, tiêu chuẩn khí thải, hay các đặc điểm kỹ thuật khác, giữa những xe bán ở các thị trường khác nhau. Ngoài ra đối với yêu cầu cung cấp “Bản sao giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài”. Doanh nghiệp cần cung cấp giấy tờ này khi làm thủ tục kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô chưa qua sử dụng để đảm bảo chất lượng của xe nhập khẩu, hạn chế ô tô kém chất lượng từ nước ngoài, nhằm mục đích bảo vệ người tiêu dùng và đồng thời cũng tạo sự bình đẳng với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Ông Kha lý giải thêm, hoạt động kinh doanh nhập khẩu được thực hiện theo quy định hiện hành đến hết ngày 31/12/2017. Như vậy, khi nghị định ban hành cho đến khi có hiệu lực, doanh nghiệp nhập khẩu phải có kế hoạch để đưa hàng về cảng trước ngày 31/12/2017. Do đó không thể có trường hợp ùn tắc tại cảng và không đăng kiểm được, cụ thể như Thaco nhập xe Mazda 2, Mazda BT50, Kia, Peugeot về Việt Nam không hề gặp vướng mắc gì. “Việc kiểm tra chất lượng đối với từng lô là cần thiết vì nếu chỉ kiểm tra, thử nghiệm các lô xe đầu tiên và không kiểm tra các lô xe tiếp theo thì không thể kiểm soát được chất lượng của các lô xe tiếp theo đó (linh kiện, kết cấu thùng hàng, kết cấu xe có thể sẽ thay thế linh kiện kém chất lượng, không đảm bảo an toàn, không đáp ứng được quy định)” - ông Kha nhấn mạnh.
Đồng quan điểm này, ông Lê Ngọc Đức - Tổng giám đốc Hyundai Việt Nam cho rằng, Nghị định 116 được ban hành dựa trên tiêu chí bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như đảm bảo sự công bằng giữa doanh nghiệp sản xuất trong nước với các nhà nhập khẩu; đồng thời cũng bám sát định hướng chiến lược phát triển công nghiệp ô tô của Chính phủ. Các quy định trong nghị định về nhập khẩu xe không thể nói là khắt khe, nó phù hợp với thực tế của Việt Nam, đảm bảo bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng. Khi nhà sản xuất muốn xuất khẩu sản phẩm sang một thị trường nước ngoài thì phải tìm hiểu và đưa ra những sản phẩm phù hợp với quy định của thị trường đó chứ không thể bảo hàng chỉ có thế nên bán thế.
“Doanh nghiệp FDI đòi thêm ưu đãi, kêu bị phân biệt đối xử là chưa đúng. Cơ hội đang mở ra cho tất cả các doanh nghiệp muốn mở rộng sản xuất thay vì chỉ lắp ráp và nhập khẩu” - ông Đức nhấn mạnh.
Câu chuyện dung lượng thị trường không đủ để cho phát triển công nghiệp ô tô mãi mãi sẽ chỉ là chuyện “quả trứng có trước hay con gà có trước” nếu không có những đột phá về chính sách. Ở từng thời điểm, Chính phủ sẽ phải lựa chọn hướng đi phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên và rộng hơn, đảm bảo sự phát triển chung của nền kinh tế, lợi ích của người tiêu dùng. Phát triển sản xuất ô tô không chỉ mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp mà cho cả nền kinh tế, tạo lực đẩy thu hút các ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ khác. Đây chính là mục tiêu lớn nhất mà Chính phủ đang hướng tới.
Nguồn: Thùy Linh/Báo Công Thương điện tử