Đây là những nội dung chính được đưa ra tại cuộc họp của Chính phủ với các DN, hiệp hội về những ý kiến quanh Nghị định số 116/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô và Thông tư số 03/2018/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô nhập khẩu.
Hướng tới phát triển công nghiệp ô tô có tính cạnh tranh cao
Có trên 90 triệu dân nhưng Việt Nam mới chỉ chỉ khoảng 2,8 triệu ô tô. Ngoài ra, còn có nhu cầu rất lớn khi phát triển vận tải. Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, trong vận tải, đường bộ vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn: đối với hành khách 93-94%, đối với hàng hóa khoảng 70%. Như vậy, vận tải bằng ô tô chiếm tỷ trọng lớn. Số lượng ô tô ở Việt Nam so với các nước khu vực hiện nay còn khá thấp. “Vì thế, nhu cầu phát triển công nghiệp ô tô là lớn, đây là môi trường thuận lợi cho các DN ô tô” - Thứ trưởng Thọ nhấn mạnh.
Đồng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng bày tỏ, nếu như mọi người nói về tự hào thương hiệu quốc gia, chúng tôi rất mong muốn như Hoa Kỳ là có General Motors, có Ford, tương tự như vậy người Nhật có Toyota, Honda và rất nhiều sản phẩm khác. Việt Nam cũng mong muốn có một thương hiệu về ô tô.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ thêm, quy trình làm Nghị định 116 đã tuân thủ nghiêm túc những quy định về ban hành một văn bản quy phạm pháp luật. Để xây dựng Nghị định này, Thủ tướng đã ra quyết định thành lập một tổ công tác chuyên ngành về lĩnh vực ô tô, thành phần gồm Bộ GTVT, Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, một số nhà nghiên cứu cũng như doanh nghiệp, trong đó có cả Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam (VAMA). “Có thể chúng tôi không đi hết được đến từng DN nhưng chắc chắn đã có sự bàn luận, phản biện, thậm chí tranh cãi về các vấn đề để tiếp nhận thông tin. Nghị định được ban hành là để tạo sự bình đẳng giữa DN sản xuất lắp ráp trong nước và DN nhập khẩu, mà DN sản xuất lắp ráp trong nước không phải chúng tôi không phân biệt là Việt Nam hay là FDI” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Nghị định 116, vì thế, khi được ban hành không chỉ mong muốn “lập lại trật tự” cho sản xuất ô tô trong nước mà còn tạo động lực thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, việc ban hành Nghị định 116 là một tiến bộ lớn của Chính phủ Việt Nam. Chủ trương của Thủ tướng, của Chính phủ là tiếp tục mở rộng thị trường và phát triển ô tô tại Việt Nam. Đó là tiếp tục và ổn định sản xuất ô tô trong nước, đó là tạo ra các cơ chế, chính sách tốt hơn nhằm thu hút vốn của nước ngoài, thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong nước để sản xuất ô tô chất lượng cao, tương đương với khu vực và thế giới. Đặc biệt rất quan tâm đến phát triển công nghiệp hỗ trợ, hướng tới một nền công nghiệp mạnh mẽ, có tính cạnh tranh cao hơn.
DN nội sẵn sàng, DN ngoại e dè

 

Tuy nhiên, sau 4 tháng Nghị định 116 đi vào cuộc sống, trong khi các DN sản xuất lắp ráp ô tô trong nước sớm bắt tay ngay vào việc đáp ứng các quy định của Nghị định 116 để thúc đẩy sản xuất trong nước và không ảnh hưởng tới kế hoạch nhập khẩu các loại xe thì nhiều DN FDI trong lĩnh vực này lại vẫn đang còn không ít lo ngại về cách thức thực hiện.
Chủ tịch VAMA - Tổng giám đốc Toyota Việt Nam, ông Toru Kinoshita cho rằng, một số quy định hành chính trong Nghị định 116 không phù hợp bởi những quy định này dẫn đến làm gián đoạn, thậm chí dẫn đến dừng toàn bộ hoạt động nhập khẩu ôtô từ nước ngoài. Nghị định cũng tạo ra sự đối xử không công bằng giữa các nhà sản xuất ô tô, giữa DN sản xuất trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài vì một số thành viên VAMA mặc dù đã hoạt động hơn 20 năm tại Việt Nam nhưng nay họ có thể phải ngừng sản xuất chỉ vì một quy định đột xuất về đường chạy thử ôtô.
Nói rõ hơn về những vướng mắc khi triển khai Nghị định 116 và Thông tư 03, Tổng giám đốc Công ty Ford Việt Nam - Phạm Văn Dũng - cho biết, công ty đang vướng một dòng xe nhập từ Mỹ về Việt Nam có gần 100 xe đặt hàng từ tháng 6, không huỷ được mà giờ không dám nhập về Việt Nam vì vướng thủ tục. Đồng thời, chia sẻ thêm quy định về đường thử 800m là khó cho DN vì không có quỹ đất. Và cũng qua nghiên cứu không thấy mối liên hệ giữa chất lượng xe và đường thử vì mỗi nhà sản xuất đều có thiết bị kiểm nghiệm.
Không đồng tình với các quan điểm trên, Chủ tịch HĐQT Thaco, ông Trần Bá Dương bày tỏ, Nghị định 116 ra đời là để đưa ngành sản xuất lắp ráp, bảo hành và bảo dưỡng ô tô vào một ngành kinh doanh có điều kiện nhằm bảo đảm được 4 mục tiêu chính là: đảm bảo điều kiện về môi trường; đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng; an toàn giao thông và đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các DN nhập khẩu với nhau, giữa các DN nhập khẩu với các DN sản xuất lắp ráp trong nước, và giữa các DN sản xuất lắp ráp trong nước với nhau. Bởi thế, yêu cầu có giấy chứng nhận kiểu loại đối với xe nhập khẩu hay yêu cầu về đường thử là điều cần thiết. Thaco vừa sản xuất vừa phân phối nhiều loại xe, trong đó có BMW và đến thời điểm này cũng đã được nhà sản xuất cung cấp giấy chứng nhận kiểu loại của BMW cung cấp cho các mẫu xe của BMW, trong đó có xe MINI của Anh, không hề có khó khăn gì.
Về quy định thử theo lô, ông Dương cho rằng: "Hiện 1 động cơ của Việt Nam mới áp dụng Euro 4, so với 1 động cơ không đạt thì chênh lệch không nhỏ và để đạt Euro 4 thì không đơn giản. Các xe kiểm định thì đạt nhưng khi sản xuất ở bên kia đưa về thì lại không đạt. Vậy nên ta phải kiểm định khí thải".
Đồng quan điểm này, ông Lê Ngọc Đức - Tổng giám đốc Tập đoàn Thành Công - ý kiến thêm, Giấy chứng nhận kiểu loại là tất cả thông số về 1 cái xe để đảm bảo an toàn vận hành, hoạt động. Việc thử nghiệm theo từng lô cũng là điều cần thiết bởi các thương hiệu lớn, như Volkswagen cũng vẫn phát hiện sai phạm, gian lận. “Vậy nên nếu chỉ kiểm nghiệm lô đầu tiên thì lấy gì đảm bảo những lô sau đó vẫn đảm bảo trong khi chúng tôi là nhà sản xuất trong nước thì cái nào cũng phải kiểm nghiệm cả, kiểm nghiệm cả từ thiết bị nhập về, từ cái la-răng cho tới khi hoàn thiện cả cái xe” - ông Đức đặt câu hỏi. Đặc biệt, liên quan tới quy định đường thử, điều kiện đường thử 800m không quá khó. Muốn kinh doanh thì phải đầu tư chứ không thể nói là quỹ đất không có.
Ông Trần Bá Dương phân tích thêm, đường thử trước đây đã quá lỗi thời, hiện nay các tính năng xe cũng khác, tốc độ xe cũng cao hơn, khi làm một đường thử người ta cũng đã phân tích rất kỹ mấy trăm mét là thử phanh, mấy trăm mét là thử tốc độ, tính rất kỹ cuối cùng là 800m. Tại Thaco, đường thử hiện nay là 2,4km.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải giải thích, Nghị định 115 năm 2004 của Chính phủ đã có quy định này nhưng đường thử chỉ cần dài 500m. Đến nay, sau gần 20 năm, không thể giữ mãi quy định đó, xã hội thay đổi nên cần điều kiện khắt khe hơn. Chỉ ít năm trước, Việt Nam chưa có đường cao tốc, nay đã có cao tốc cho phép chạy tới 120km/h, như vậy xe ô tô cũng cần đường thử khác. Và hơn cả, quy định này đến 15/4/2019 mới có hiệu lực.
Sớm tìm được tiếng nói chung
Từ nghiên cứu độc lập, bà Phạm Ngọc Thủy - Phó Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) - thẳng thắn khẳng định tinh thần của Nghị định 116 đi đúng hướng, thể hiện quan điểm rõ ràng về việc phải xây dựng cho được ngành công nghiệp sản xuất ô tô trong nước, đảm bảo chất lượng xe đến tay người tiêu dùng và ổn định dòng vốn cho sản xuất. Tuy nhiên, các quy định đang gây nhiều tranh cãi do các bên chưa tìm được tiếng nói chung.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, Bộ GTVT sẽ tiếp thu các ý kiến và tập hợp những ý kiến nào phù hợp để có những hướng dẫn cụ thể hơn, đồng hành và tháo gỡ khó khăn cho DN, chúng tôi sẽ có thể làm ra một phụ lục về giấy chứng nhận kiểu loại.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: Chúng tôi xin ghi nhận và tiếp thu hoàn toàn các ý kiến tại cuộc họp để báo cáo với Thủ tướng về những giải pháp và công bố cụ thể liên quan đến Nghị định 116 và Thông tư 03 để tìm ra giải pháp sớm nhất. Cuối tuần này hoặc tuần sau chúng tôi sẽ họp các Bộ trưởng, các cơ quan liên quan để xem xét từng khía cạnh, từng vấn đề của Nghị định 116 và Thông tư 03, sau đó sẽ đề xuất với Chính phủ về những giải pháp để sửa đổi, bổ sung cho hợp lý.
Rõ ràng, ở góc nhìn của mỗi DN, việc thực thi Nghị định 116 và Thông tư 03 vẫn còn những vướng mắc nhất định. Nhưng nếu các DN đặt mục tiêu hoạt động vì một ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển, vì một thị trường ô tô lành mạnh và với những nỗ lực tháo gỡ khó khăn từ cơ quan quản lý thì những trở ngại chắc chắn sẽ được hóa giải.
Nguồn: Thùy Linh/Báo Công Thương điện tử