Tiềm năng còn bỏ ngỏ
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) - đánh giá: Tiềm năng về năng lượng tái tạo ở Việt Nam rất lớn, gồm: Gió, mặt trời, khí sinh học, sinh khối, thủy điện nhỏ, thủy triều, địa nhiệt. Ước tính, tiềm năng cho phát điện của nguồn năng lượng này khoảng 21.000 - 26.000MW, tuy nhiên, đến cuối năm 2016 mới triển khai trên 2.500MW.
Tiềm năng điện gió ở Việt Nam từ 3.000 - 6.000MW nhưng mới triển khai đạt 159MW nối lưới; điện mặt trời khoảng 10.000MW nhưng thực tế mới đạt 6MW (riêng nối lưới 0.18MW); phát điện từ khí sinh học trên 100MW nhưng thực tế mới đạt trên 2,5MW; thủy điện nhỏ từ 5.000 - 7.000MW nhưng thực tế mới đạt 1.984MW. Đặc biệt, theo đánh giá sơ bộ, tiềm năng điện thủy triều đạt 100 - 200MW ở miền Bắc, điện địa nhiệt khoảng 340MW, nhưng chưa được khai thác trong thực tế.
Thực tế trên cho thấy, hiện trạng phát triển năng lượng tái tạo chưa tương xứng với tiềm năng. Tính đến tháng 7/2017, số dự án đăng ký phát triển điện gió, mặt trời và sinh khối ước tính có hơn 250 dự án với tổng công suất đăng ký khoảng gần 25.000MW. Trong đó, các tỉnh có nhiều dự án đăng ký điện gió nhất là: Bình Thuận, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Bến Tre. Các tỉnh có nhiều dự án đăng ký điện mặt trời là Đắk Lắk, Tây Ninh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa. Các tỉnh có nhiều dự án đăng ký điện sinh khối là: Gia Lai, Khánh Hòa, Phú Yên, Thanh Hóa.
Rào cản phát triển
Theo tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam chưa được các nhà đầu tư quan tâm chủ yếu do vốn đầu tư ban đầu rất lớn. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất quy dẫn của năng lượng tái tạo còn cao hơn so với các dạng năng lượng truyền thống. Hiện, giá điện mặt trời được EVN mua là 9,35 cent/kWh; trong khi đó, giá bán lẻ điện bình quân của EVN là 1.622,01 đồng/kWh (7,3 cent/kWh). Khi mua điện mặt trời giá 9,35 cent/kWh, EVN lỗ khoảng 2 cent/kWh.
Phát triển năng lượng còn gặp rào cản trong cơ chế giá khuyến khích mua điện chưa cao; khó khăn và chi phí cho việc đấu nối vào hệ thống điện quốc gia; thiếu kinh nghiệm phát triển và thiếu kỹ sư, nhân công lành nghề cho các dự án; dành đất cho phát triển dự án năng lượng tái tạo… “Do đó, Chính phủ cần tiếp tục có các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy năng lượng tái tạo; thiết lập các quỹ hỗ trợ năng lượng tái tạo; tổ chức tập huấn nâng cao, hợp tác với các trường và viện nghiên cứu đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này” - ông Tuấn đề xuất.
Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - cho biết, một trong những khó khăn lớn nhất với năng lượng tái tạo ở Việt Nam là vấn đề lưu điện để bảo đảm ổn định tần số điện. Do đó, rất cần công nghệ lưu điện bằng pin lithium nhưng hiện nay, chúng ta không đủ khả năng để sản xuất. Hầu như công nghệ trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu về máy móc, thiết bị cho các ngành năng lượng mới, các nhà đầu tư phải nhập khẩu công nghệ và thiết bị từ nước ngoài…
Sản xuất năng lượng tái tạo phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên (nước, nắng, gió, vị trí địa lý…), công nghệ và giá thành. Để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, cần chính sách hỗ trợ như các cơ chế về hạn ngạch, giá cố định, đấu thầu, cấp chứng chỉ…
Nguồn: Quỳnh Nga/Báo Công Thương điện tử