“Bức tranh” năng lượng chuyển dịch...
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hoàng Trung - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV) - cho biết, năm 2017 ngành than có nhiều khó khăn mới phát sinh so với những năm trước.
Cụ thể, từ đầu năm 2017, chính sách của Nhà nước đối với ngành Than có sự thay đổi. Chính phủ cho phép các nhà máy nhiệt điện chạy than chủ động trong việc lựa chọn nhà cung cấp. Theo đó, chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than chịu trách nhiệm thu xếp nguồn than để cung cấp cho nhà máy theo quy định. Như vậy, TKV chỉ đóng vai trò là một trong những kênh cung ứng than cho các nhà máy nhiệt điện. Việc cung cấp than của TKV được thực hiện trên cơ sở hợp đồng mua bán hàng năm hoặc hợp đồng mua bán dài hạn đã được ký kết giữa TKV và các nhà máy nhiệt điện.
Một khó khăn do khách quan: Diễn biến thời tiết, đặc biệt là quý III rất phức tạp, mưa bão xảy ra trên diện rộng gây ảnh hưởng đến việc tiêu thụ. Các nhà máy điện chạy than huy động công suất thấp do EVN huy động tối đa thủy điện và nhiệt điện khí.
Sản lượng than bán cho các hộ tiêu thụ 10 tháng đạt 26,9 triệu tấn, bằng 74,7% kế hoạch năm và bằng 94% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, than tiêu thụ hộ điện đạt: 20,01 triệu tấn, bằng 70,5% kế hoạch năm và bằng 90,1% so với cùng kỳ năm 2016. “Dự kiến than tiêu thụ năm 2017 đạt khoảng 33 triệu tấn, trong đó tiêu thụ trong nước 32 triệu tấn. Đối với than cung cấp cho điện dự kiến cả năm chỉ đạt 24, 3 triệu tấn, giảm 4 triệu tấn so với kế hoạch đầu năm và giảm 7 triệu tấn so với kế hoạch đăng ký của các nhà máy điện”- ông Nguyễn Hoàng Trung cho biết.

... Đòi hỏi ngành than phải điều chỉnh
Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, trên thế giới, than cung cấp cho sản xuất điện chiếm 60- 80%. Ở nước ta trên 80% sản lượng than trong nước cung cấp cho điện. Xu hướng tỷ trọng sản xuất điện năng lượng tái tạo, như năng lượng gió, năng lượng mặt trời… ngày càng gia tăng.
Mặt khác, do quan ngại ảnh hưởng về môi trường nên nhiều nước thay đổi mạnh về chính sách phát triển năng lượng. Tuy nhiên, đối với châu Á và các nước khu vực ASEAN, xu hướng phát triển nhiệt điện than vẫn tồn tại, bên cạnh nhà máy điện khí và khai thác tối ưu tiềm năng thủy điện và năng lượng tái tạo.
Đối với nước ta, năm 2017 dự kiến nhập khẩu khoảng 10 triệu tấn than, đến năm 2020 dự kiến nhập khẩu khoảng 20- 30 triệu tấn. Đến năm 2030, nhu cầu than cần khoảng 130 triệu tấn; trong đó, trong nước chỉ sản xuất đáp ứng khoảng 30%, phải nhập khẩu khoảng 80- 100 triệu tấn, để cung cấp cho các nhà máy điện mới, đặc biệt khu vực miền Nam.
Năm 2015, khi chưa có than nhập khẩu, lúc đó điều tiết than của nhà nước rất lớn và giá than nhà nước quy định bao nhiêu, các hộ chấp nhận bấy nhiêu. Từ năm 2016 xuất hiện than nhập khẩu với giá chênh lệch thấp hơn khá nhiều so với than sản xuất trong nước.
Rõ ràng bức tranh năng lượng có sự chuyển dịch đòi hỏi ngành than phải điều chỉnh.

 

Điều chỉnh theo hướng nào?
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng thông tin, Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương chủ trì nghiên cứu về định hướng phát triển ngành Than, từ việc đánh giá toàn diện về ngành đến đề xuất cơ chế chính sách. Hết tháng 11 phải có báo cáo chính thức Thủ tướng.
Quan điểm phát triển ngành Than trong thời gian tới, cho dù mô hình thay đổi ra sao cũng cần có cơ chế phát triển ổn định, bền vững ít nhất 10- 15 năm, đặc biệt là trên địa bàn Quảng Ninh - địa phương chiếm tỷ trọng lớn sản xuất than và than có vai trò rất quan trọng, bảo đảm đóng góp tăng trưởng 25% GDP, đóng góp 50 thu nội địa và bảo đảm an sinh cho khoảng 35% dân số.
“Mục tiêu này đặt ra công tác tái cơ cấu tổ chức lại sản xuất sao cho bảo đảm năng suất cao, giá thành giảm, để có sức cạnh tranh. Đây là thách thức rất lớn của ngành than” – Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhận định.
Về cơ chế chính sách cụ thể quản lý điều tiết thị trường than trong thời gian tới, theo Thứ trưởng trong giai đoạn đầu vẫn cần thiết phải có. “Điều tiết của nhà nước ở đây là yêu cầu các nhà máy điện phải ký hợp đồng dài hạn 5 năm hay 10 năm, để một mặt vẫn tạo sự chủ động cho các nhà máy điện thu xếp 10- 15% nhu cầu than, mặt khác để tạo sự chủ động cho kế hoạch đầu tư mỏ mới của ngành than”- Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nêu vấn đề.
Để đảm bảo cho sự phát triển ổn định của ngành Than, ông Nguyễn Đức Long - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - đề nghị Bộ Công Thương thống nhất chỉ đạo TKV và Tổng Công ty Đông Bắc tiến hành thăm dò, đánh giá trữ lượng than. Trong đó, cần đẩy nhanh các dự án trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành Than đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030. Liên quan đến giải quyết vấn đề than tồn kho, ông Nguyễn Đức Long kiến nghị Bộ Công Thương trình Chính phủ xây dựng cơ chế điều hành giá than theo thị trường gắn với đảm bảo an ninh năng lượng, điều hành xuất khẩu than theo chương trình dài hạn đối với các chủng loại than trong nước không dùng hoặc tiêu thụ không hết, cải cách thủ tục cấp phép khai thác. Đặc biệt, Bộ Công Thương cần đánh giá lại việc thực hiện Chỉ thị 21 về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than, nhất là quản lý tại khu vực giáp ranh, đầu nguồn, cuối nguồn. Đồng thời, ban hành các chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở cho công nhân; tăng cường phối hợp với tỉnh trong việc ổn định xã hội sau khi tái cơ cấu. Cùng với đó, quan tâm, xem xét để đẩy nhanh việc triển khai giai đoạn 1 dự án Nhà máy Nhiệt điện Texhong Hải Hà; chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam lắp đặt trạm 220KV đảm bảo cấp điện cho KCN Đông Mai (TX Quảng Yên).
Nguồn: Xuân Phú - Đức Long/Báo Công Thương điện tử