Thành quả từ sự quyết liệt

Năm 2016, sản lượng điện sản xuất ước đạt 183,2 tỷ kWh, cao hơn 660 triệu kWh so với kế hoạch phê duyệt đầu năm; điện thương phẩm đạt 159,3 tỷ kWh, cao hơn kế hoạch năm và tăng khoảng 11% so với cùng kỳ năm 2015. Cùng với mạng lưới điện truyền tải, phân phối đồng bộ hiện đại và rộng khắp cả nước, hệ thống điện của Việt Nam đã đứng thứ 31 trên thế giới và thứ 2 trong khu vực Asean.

Đánh giá về công tác cung cấp điện năm 2016, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, cùng với sự góp sức của các doanh nghiệp năng lượng khác trong và ngoài ngành Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với vai trò chủ lực đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong việc cung cấp nguồn điện ổn định, phục vụ sản xuất và sinh hoạt, phát triển đất nước và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Giá điện được duy trì trong cả năm, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội. Chỉ số tiếp cận điện năng, công tác kinh doanh dịch vụ khách hàng của ngành Điện tiếp tục được củng cố theo hướng tích cực, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, được cộng đồng xã hội và các tổ chức trong, ngoài nước đánh giá cao.

Nhiều chuyên gia cho rằng, có được kết quả này, ngoài nỗ lực của ngành Điện, không thể không nhắc đến vai trò của Bộ Công Thương trong công tác chỉ đạo, quản lý điều hành, giám sát các hoạt động của ngành năng lượng nói chung và ngành Điện nói riêng theo hướng bền vững cả về kinh tế lẫn môi trường, xã hội.

Cụ thể, trên cơ sở nghiên cứu rà soát, đánh giá việc thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII), Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VII điều chỉnh; xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển ngành Điện lực Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo; triển khai thị trường bán buôn điện cạnh tranh theo lộ trình, rà soát bổ sung, điều chỉnh Quy trình vận hành của 38 hồ chứa thủy điện.

Trong lĩnh vực thủy điện, 3 năm qua, thực hiện chỉ đạo của Quốc hội khóa XIII, ngoài việc tăng cường quản lý các dự án thủy điện đã vận hành, đang đầu tư xây dựng, Bộ đã rà soát loại khỏi quy hoạch 8 dự án thủy điện bậc thang và 463 dự án thủy điện nhỏ, không xem xét quy hoạch 213 vị trí tiềm năng.

Đối với các dự án thủy điện đang thi công xây dựng, đã hoàn thành và đi vào vận hành, nếu không thực hiện đầy đủ các cam kết về trồng rừng thay thế và chi trả dịch vụ môi trường rừng, sẽ yêu cầu dừng triển khai hoặc thu hồi giấy phép hoạt động điện lực.

Năm 2016, Bộ Công Thương đã chủ động, chủ trì phối hợp với các bộ, ngành địa phương tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định luật pháp của các nhà máy thủy điện trên cả nước; xử lý, đề xuất xử lý những thủy điện chưa nghiêm túc chấp hành về quản lý, vận hành, chế độ thông tin báo cáo việc vận hành hồ chứa…

Trên cơ sở rà soát, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại trong việc quản lý các dự án nhiệt điện than, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 11/CT-BCT về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường ngành Công Thương, trong đó yêu cầu các đơn vị chức năng, các địa phương, EVN rà soát, đánh giá toàn diện các nguy cơ rủi ro về môi trường, đồng thời giám sát chặt chẽ các dự án đã, đang triển khai. Bên cạnh đó, đưa ra các giải pháp nhằm hạn chế, giảm thiểu tác động đến môi trường thông qua việc chỉ đạo các chủ đầu tư lắp đặt thiết bị kiểm tra nồng độ phát thải, hoàn thiện hệ thống quan trắc tự động; thúc đẩy việc sử dụng tro xỉ thải để sản xuất gạch không nung.

Tiếp tục đổi mới

Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, nhằm đáp ứng nhu cầu về điện cho phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng 6,5-7%/năm, Bộ Công Thương đã xây dựng trình Chính phủ phê duyệt Kế hoạch phát triển hệ thống điện với tốc độ tăng trưởng phụ tải điện khoảng 10,6% cho giai đoạn từ nay đến năm 2020, khoảng 8,5% giai đoạn 2021-2025 và 7,5% giai đoạn 2025-2030.

Như vậy, đến năm 2020, hệ thống nguồn điện phải đạt trên 63.000MW, đạt 87.000MW vào năm 2025 và đạt 120.000MW vào năm 2030. Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn và thách thức cho ngành Điện, nhất là trong bối cảnh các nguồn thủy điện đã cơ bản khai thác hết, nguồn năng lượng tái tạo vẫn còn gặp khó khăn do chi phí đầu tư cao, nguồn lực kinh tế cho đầu tư còn hạn chế; điện hạt nhân đã dừng lại; nguồn khí cho phát triển điện khí cũng sẽ cạn kiệt và phải nhập khẩu nguồn khí hóa lỏng từ năm 2023.

Với vai trò là thành viên Chính phủ, chịu trách nhiệm về quản lý, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, trong đó có lĩnh vực điện lực, Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực điện lực; phát triển thị trường điện cạnh tranh theo đúng lộ trình; kiên trì định hướng giá điện theo cơ chế thị trường. Trên cơ sở cân đối cung cầu, Bộ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị như EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam… đầu tư phát triển các công trình nguồn và lưới điện theo đúng chất lượng tiến độ đã được phê duyệt, ưu tiên cho năng lượng tái tạo nhằm bảo vệ môi trường bền vững, phù hợp với chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam cũng như các cam kết quốc tế; hướng đến mức giảm tỷ lệ tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP so với năm 2016 là 1,5% theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Riêng với các dự án nhiệt điện, Bộ Công Thương kiên quyết từ chối đầu tư các dự án có công nghệ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường; từng bước đổi mới, cải tiến công nghệ đối với các nhà máy hiện có để giảm phát thải, cải thiện môi trường; lắp đặt hệ thống giám sát, quan trắc môi trường tự động, kết nối với đơn vị chức năng tại địa phương theo quy định; phối hợp với Bộ Xây dựng xây dựng các khuôn khổ pháp lý về công nghệ và môi trường cho nhà máy nhiệt điện than, nhất là xử lý vấn đề tro xỉ than.

Phát triển ngành Điện theo hướng hiệu quả, bền vững là chặng đường dài phía trước, nhưng với tinh thần đổi mới, sự quyết tâm đồng thuận của ngành Công Thương, mục tiêu đó chắc chắn sẽ thành hiện thực.

 

Nguồn: Vũ Sơn/Báo Công Thương điện tử