Phấn đấu công nghiệp tăng trưởng không dưới 5%
Đối với lĩnh vực công nghiệp, Quảng Ninh có nhiều ngành sản xuất then chốt không chỉ đối với địa phương, mà với cả nước, như công nghiệp khai khoáng: than, điện. Vì vậy việc Quảng Ninh duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp, vừa có ý nghĩa đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, vừa thúc đẩy tăng trưởng chung của cả nước.
Nhìn lại kết quả 5 tháng, sản xuất công nghiệp tại Quảng Ninh vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng, nhất là các ngành về điện, chế biến, chế tạo, sản xuất vật liệu xây dựng. Nhưng, chỉ tăng ở mức khiêm tốn: 2,03%, thấp hơn nhiều so với mức tăng (tăng 5,85%) của cùng kỳ năm 2016. Một số ngành then chốt, ví như công nghiệp khai khoáng chỉ tăng 1,2% và công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,7% so với cùng kỳ…
Trong khi đó, HĐND tỉnh Quảng Ninh đặt ra mục tiêu năm 2017, tăng trưởng công nghiệp trên 4,2%. Tuy nhiên, Sở Công Thương đang tham mưu cho UBND tỉnh, quyết tâm phấn đấu sản xuất công nghiệp năm 2017 phải đạt trên 5%.
Để đạt chỉ tiêu tăng trưởng về lĩnh vực công nghiệp như kỳ vọng, ngày 24/5, Sở Công Thương Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị gặp gỡ với đại diện doanh nghiệp các lĩnh vực sản xuất công nghiệp trên địa bàn, để nghe những kiến nghị đề xuất phải giải quyết và tháo gỡ khó khăn cho các DN trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Đồng thời, chỉ ra những lĩnh vực sản xuất tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm, từ đó chỉ ra những giải pháp giải quyết quyết liệt phấn đấu tăng trưởng cao hơn. Đối với những nhóm ngành hàng có tốc độ tăng trưởng tốt, nhưng dư địa vẫn còn thì tiếp tục tăng trưởng cao hơn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - Lê Quang Tùng - đã tham dự hội nghị và chỉ đạo cụ thể việc tháo gỡ khó khăn, để phấn đấu đến cuối năm sản xuất công nghiệp tăng trưởng đạt trên 5%, cao hơn chỉ tiêu HĐND tỉnh đặt ra.
Hai lĩnh vực cần đặc biệt quan tâm tháo gỡ…
Tại hội nghị, nhiều DN đại diện của ngành than (TKV &Tổng công ty Đông Bắc): các lĩnh vực sản xuất xi măng, VLXD; sản xuất chế biến thủy sản, nông sản; sản xuất gốm sứ thủ công mỹ nghệ, sản xuất điện... nhóm ngành công nghiệp nào cũng gặp khó khăn, vướng mắc rất cần được tháo gỡ, để phát triển sản xuất. Trong đó, nổi lên vấn đề thủ tục tiếp cận nguồn vốn, giải quyết các thủ tục hành chính, xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, vấn đề quy hoạch, di dời các cơ sở công nghiệp ra khỏi đô thị cần có lộ trình, làm sao ít gây ảnh hưởng lớn đến đầu tư sản xuất và ổn định đến tư tưởng của người lao động…
Đáng chú ý nhất là vấn đề tháo gỡ khó khăn cho ngành than và DN tại các khu công nghiệp, khu kinh tế được nêu nhiều, bởi 2 nhóm lĩnh vực này chiếm tới trên 60% giá trị sản xuất công nghiệp của Quảng Ninh.
Vấn đề tháo gỡ khó khăn cho ngành than được tỉnh Quảng Ninh quan tâm đặc biệt. Theo báo cáo của Sở Công Thương, từ đầu năm 2017 đến nay, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các sở, ngành và UBND các địa phương giải quyết 19 đề nghị của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc. Đồng thời UBND tỉnh Quảng Ninh cũng báo cáo Thủ tướng và các bộ, ngành giải quyết 16 đề nghị của TKV và Tổng công ty Đông Bắc. Các kiến nghị, đề nghị của TKV và Tổng công ty Đông Bắc cơ bản đã được UBND tỉnh, các sở, ngành và UBND các địa phương liên quan giải quyết. Tuy nhiên, đến nay cơ chế đặc thù của ngành than chưa được ban hành, một số đề xuất của ngành than và kiến nghị của UBND tỉnh còn chậm được Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ, cần tiếp tục đề nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Lê Quang Tùng ghi nhận các ý kiến đóng góp của DN và khẳng định, giá trị công nghiệp tăng trưởng thêm 1% sẽ tác động tốt đến tăng trưởng kinh tế chung của Quảng Ninh. Vì vậy, sản xuất công nghiệp được lãnh đạo tỉnh rất quan tâm tháo gỡ khó khăn. Trong quý I, thấy sản xuất công nghiệp tăng trưởng chậm do gặp nhiều trở ngại khó khăn về khách quan và chủ quan, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long đã chỉ đạo các ngành chủ động tìm cách tháo gỡ cho các DN, để thúc đẩy tăng trưởng cho sản xuất công nghiệp, cũng như các ngành kinh tế khác.
Phó Chủ tịch Lê Quang Tùng cho biết, lãnh đạo Quảng Ninh xác định, sự phát triển của ngành than, hay các ngành công nghiệp khác không chỉ đơn thuần đóng góp tăng trưởng GDP của tỉnh, mà liên quan trực tiếp đến đời sống gia đình của người lao động và vấn đề bảo đảm an sinh xã hội của Quảng Ninh…
Sản xuất công nghiệp tháng 5 tại Quảng Ninh đang có dấu hiệu khá dần, các DN cơ bản đều vượt lên, tăng trưởng dù ít, hay nhiều đều tăng trưởng. Khó khăn như ngành than, nhưng tháng 5 này cũng tăng trưởng trên 2% so với cùng kỳ là một nỗ lực rất lớn.
Phó Chủ tịch Lê Quang Tùng động viên ngành than cố gắng sản xuất tăng sản lượng thêm 2 triệu tấn theo định hướng của Thủ tướng Chính phủ, để đóng góp cho phát triển chung.
“Tất cả những ý kiến đóng góp của DN, cũng như vướng mắc trong lĩnh vực công nghiệp, UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ yêu cầu các sở ngành địa phương trả lời. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo rất cụ thể, rà lại tất cả các quy hoạch các cụm công nghiệp, cũng như quy hoạch di dời nhà máy và những chính sách kèm theo đó. Tất cả đều phải bàn rất kỹ và rất cụ thể, để chính sách đi vào cuộc sống, để DN triển khai được” - Phó Chủ tịch Lê Quang Tùng nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - Lê Quang Tùng: “Qua cuộc trao đổi, tôi thấy các DN còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Tôi đề nghị các DN mạnh dạn hơn, vì UBND tỉnh Quảng Ninh luôn xác định phải đi liền với DN và hỗ trợ các DN. Sản xuất của DN có tăng trưởng thì kinh tế của Quảng Ninh mới tăng trưởng. Cho nên tôi đề nghị các DN cứ mạnh dạn nêu khó khăn, vướng mắc, có gì cần tháo gỡ cứ mạnh dạn trao đổi trực tiếp (có thể qua điện thoại) với Giám đốc Sở Công Thương, hoặc với tôi, để kịp thời giải quyết cho phát triển sản xuất, kinh doanh…”.
Nguồn:Xuân Phú/Báo Công Thương điện tử