Công ty Cổ phần cơ khí 19-8, trước đây thuộc Tổng công ty Công nghiệp ôtô Việt Nam, chuyên sản xuất các loại nhíp ôtô. Nếu như thời điểm trước khi cổ phần hóa, sản phẩm của 19-8 được cung cấp chủ yếu cho các DN lắp ráp ôtô thuộc tổng công ty thì sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động, DN phải tự bươn chải trong bối cảnh làm đến đâu tìm đường XK đến đấy, cho dù nhu cầu lắp ráp ôtô trong nước mỗi năm cần hàng trăm nghìn tấn sản phẩm nhíp.

Công nghệ Nhật Bản được DN đầu tư đã cho năng lực sản xuất 30.000 tấn sản phẩm/năm, đạt tiêu chuẩn Chứng chỉ chất lượng DIN 2094:2006-09 của Cộng hòa Liên bang Đức ISO 9001-2000; đã XK sang những thị trường khó tính như Đức, Pháp, Itali, Australia, Myanmar, Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Lào, Campuchia, Nam Phi... Tuy nhiên, linh kiện nhíp ôtô của công ty đành chịu “thất thủ” trên sân nhà do không thể chen chân vào chuỗi giá trị của các DN lắp ráp ôtô. Ông Trần Tuấn Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần cơ khí 19-8 - chia sẻ: Hiện nay, thị trường trong nước mỗi năm tiêu thụ khoảng 100.000 xe tải, tương đương 400.000 - 500.000 tấn sản phẩm. Thế nhưng, do không có thị trường tiêu thụ, chúng tôi chỉ sản xuất bằng 1/3 công suất thiết kế (tương đương 10.000 tấn/năm) và gần 1/3 sản lượng này được tiêu thụ nội địa cho hoạt động sau bán hàng, hơn 2/3 còn lại để XK.

Nghịch lý này không đến từ chất lượng hay giá bán của sản phẩm mà lại từ những khó khăn khách quan mà DN không thể tự giải quyết. “Chúng tôi đã tìm được mối XK sang Trung Quốc, nhưng lại vướng chính sách thuế XK sang đây là 10%, trong khi cũng chủng loại sản phẩm đó của Trung Quốc khi nhập về Việt Nam lại chịu thuế 0%”- ông Tuấn Anh bộc bạch. Hiện nay, các DN lắp ráp ôtô tải thường phải mua cả cụm linh kiện, nhíp là một phần trong bộ sản phẩm khung gầm ôtô, được các nhà cung cấp bán cả cụm chứ nhất quyết không bán rời. Chính vì yêu cầu của phía đối tác nước ngoài rất chặt chẽ nên dù biết sản phẩm nhíp của 19-8 đạt chất lượng, nhưng các DN lắp ráp ôtô trong nước cũng không thể hỗ trợ “người đồng hương” của mình phát triển công nghiệp phụ trợ.

“Tôi đã gõ cửa các DN lắp ráp xe tải lớn tại Việt Nam như Thaco, Đồng Vàng, Cửu Long, Samco… để mời hợp tác với tâm thế giá nào cũng bán miễn là vào được chuỗi sản xuất nhưng họ đều có hợp đồng ký kết chặt chẽ với các đối tác nước ngoài nên không thể mua lẻ một linh kiện” - ông Tuấn Anh chia sẻ.

Từ thực tế này, DN mong muốn cơ quan quản lý đưa mặt hàng nhíp vào danh mục hàng hóa có kiểm soát về chất lượng (như đèn, lốp, kính chắn gió ôtô) để có thể cạnh tranh được ở thị trường sản phẩm sửa chữa, thay thế. Hiện nay, nhà nước chưa có chính sách ưu tiên hay bắt buộc DN trong nước phải gia tăng tỷ lệ nội địa hóa nên việc để DN tham gia chuỗi cung cấp sản phẩm, linh kiện cho sản xuất lắp ráp ôtô xem ra vẫn chỉ dừng lại ở lý thuyết.

Cũng như “vốn mồi” đối với DN khởi nghiệp, nhiều DN trong lĩnh vực phụ trợ đang thực sự cần chính sách “mồi” để có thể đủ sức cạnh tranh, tạo động lực và hiệu ứng dây chuyền thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ. Nếu không “tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu” sẽ mãi chỉ là cụm từ trong các văn bản mà không thể “sống” trong thực tế.

Nguồn: Thùy Linh/Báo Công Thương điện tử